Tỉnh Phú Yên đang bước vào vụ thu hoạch tôm hùm năm 2021. Sau nhiều năm con tôm mất mùa vì thiên tai, bệnh dịch, rớt giá thì năm nay, sản lượng tôm hùm nuôi ở Phú Yên tăng cao, giá bán tôm ổn định khiến người nuôi phấn khởi.
Thị xã Sông Cầu là “thủ phủ” nghề nuôi tôm hùm đang tập trung bảo vệ vùng nuôi, thu hoạch tôm an toàn, tiếp tục duy trì sản xuất trong dịch bệnh.
Vụ tôm năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh nuôi 20 lồng tôm hùm với 4.000 con. Năm nay, thời tiết thuận lợi, vùng nuôi ít bị ảnh hưởng, dịch bệnh trên tôm được kiểm soát tốt, do vậy con tôm lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp.
Trung bình mỗi lồng anh Cường thả nuôi 200 con tôm hùm, nếu các năm trước sản lượng tôm chỉ đạt hơn 30kg/lồng thì năm nay tăng lên 40kg/lồng. Với hơn 2 tạ tôm gia đình vừa thu hoạch bán cho thương lái, các lồng nuôi đều có lãi.
Tại thôn Vịnh Hòa, gia đình anh Huỳnh Ngọc Hóa cũng đang thu hoạch tôm cân cho thương lái. Anh Hóa cho biết, gia đình nuôi 80 lồng tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, không chỉ con tôm phát triển tốt hơn các năm, sản lượng tăng cao, năm nay giá bán tôm hùm xanh đã “nhích” lên so với mọi năm, đạt từ 670.000-700.000/kg, cao hơn các vụ trước trên 100.000 đồng/kg. Vụ tôm năm nay, đầu vụ thu hoạch bà con đã có lãi, ai cũng phấn khởi.
Xã Xuân Thịnh là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của thị xã Sông Cầu có gần 1.000 hộ nuôi tại hai khu vực đầm Cù Mông và Vũng Chào xã Xuân Phương.
Vụ tôm năm 2020-2021, địa phương thả nuôi 15.600 lồng, giảm 5.800 lồng so với vụ trước. Theo ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Thịnh, số lượng lồng tôm nuôi vụ này giảm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nguồn tôm giống khan hiếm, người dân thả tôm giống ít hơn.
Tuy nhiên, bù lại tôm đạt sản lượng cao, giá tăng 100.000 đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Đến nay, xã đã thu hoạch khoảng 170 tấn, đạt khoảng 37% tổng số lồng đến kỳ thu hoạch.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nuôi tôm hùm là động lực lớn để bà con ổn định đời sống, sản xuất.
Không chỉ đạt lợi nhuận cao hơn từ con tôm, nhờ làm tốt trong phòng chống dịch COVID-19, thị xã Sông Cầu đã dỡ bỏ lệnh cách ly từ 15/8, nên thời điểm này việc thu hoạch, mua bán tôm của người dân đang được thuận lợi hơn.
Là thương lái nhiều năm thu mua tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, ông Võ Văn Thạch cho biết, so các năm việc đi lại có khó khăn hơn, nhưng các mặt hàng đã được tạo điều kiện thông thương, không bị gián đoạn. Giá thị trường xuất khẩu có tăng và ổn định hơn các năm trước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu Lâm Duy Dũng cho hay, thị xã Sông Cầu có 77.994 lồng tôm hùm vụ nuôi 2020-2021, chủ yếu loại tôm hùm xanh. Thời điểm này là vụ thu hoạch tôm chính nên thương lái từ nhiều địa phương khác đến đến Sông Cầu để thu mua.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn từ các tỉnh phía Bắc, miền Tây vận chuyển hàng trăm tấn thức ăn cho tôm hùm đến địa phương, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch COVID-19.
Để giữ an toàn vùng nuôi, ngoài việc tuyên truyền cho chủ hộ, lao động thu hoạch tôm chấp hành các quy định trong phòng chống dịch, địa phương cũng đã bố trí thời gian cho các thương lái đưa xe đến vùng nuôi thu mua tôm một cách hợp lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đối với phương tiện vận chuyển thức ăn cho tôm từ ngoại tỉnh đến vùng nuôi phải tập kết tại bến bãi, chấp hành các quy định phòng chống dịch và có sự giám sát của chính quyền địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, sản lượng tôm hùm thương phẩm thu hoạch năm 2021 của tỉnh dự kiến đạt khoảng 1.370 tấn. Đến nay, tỉnh đã thu hoạch được 700 tấn với giá bán tôm hùm bông đạt từ 1.200.000-1.500.000 đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 700.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, để tạo thuận lợi cho người nuôi tôm, Sở đã yêu cầu các địa phương ven biển tạo điều kiện cho ngư dân và doanh nghiệp thu hoạch, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi trên địa bàn thuận lợi.
Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm lồng bè thu hoạch, tiêu thụ tôm đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa bão năm 2021, tránh thiệt hại.
Trong thu hoạch tôm, mỗi người dân phải tuân thủ đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh để vùng nuôi trồng được đảm bảo an toàn, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động mua bán tiêu thụ tôm hùm của tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn do khâu vận chuyển qua các tỉnh và qua cửa khẩu mỗi tỉnh có cơ chế, phương án phòng chống dịch khác nhau. Các chủ nậu hạn chế thu mua hoặc mua giá thấp để bù chi phí, hao hụt trong quá trình vận chuyển, ảnh hưởng đến thu nhập người nuôi.
Theo TTXVN