|
  • :
  • :

Bắc Giang: Đa dạng hình thức chế biến, tăng giá trị vải thiều

Xác định việc xuất khẩu vải tươi sang Trung Quốc trong mùa vụ năm nay sẽ gặp khó nên nhiều doanh nghiệp (DN), hộ gia đình tại Lục Ngạn đã chủ động đầu tư thiết bị bảo quản, đóng gói, sấy vải, góp phần tiêu thụ vải thuận lợi hơn.

Áp dụng công nghệ mới

Vụ vải năm nay, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Đông Bắc (trụ sở chính tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên) lắp đặt 1 máy sấy vải 2 chiều nóng - lạnh (hay còn gọi là lò sấy trong thùng công - ten - nơ) chạy bằng điện, tại thôn Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang). Lò sấy có công suất 7 tấn vải tươi/mẻ trong khoảng 50 giờ, tương ứng với từ 2,2 đến 3 tấn vải sấy, tuỳ theo khách đặt lấy sản phẩm vải khô hay ướt. 

Bắc Giang, đa dạng, hình thức, chế biến, tăng giá trị vải thiều

Đoàn công tác huyện Lục Ngạn kiểm tra chất lượng sản phẩm lò sấy vải của hộ ông Vi Thành Luân.

Lò sấy này áp dụng công nghệ hiện đại, tách nước - khử khuẩn, được điều khiển hoàn toàn tự động với dải nhiệt độ từ 0-85 độ C nên sản phẩm có chất lượng cao. Cùng đó, máy sấy này cũng có chức năng như 1 kho cấp đông. 

Chị Phạm Thị Thắng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, trước đây vải thường được sấy chủ yếu bằng than, do đó vỏ hay bị nứt, chất lượng giảm, khó xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Nay máy dùng nhiệt sấy bằng điện nên sản phẩm sạch, không bị ô nhiễm bởi khói bụi. Vừa qua, DN đã xuất khẩu 4 tấn vải sấy khô sang Cộng hoà Liên bang Đức. “Hiện DN đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sang các nước, như: Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Mỹ và Trung Quốc”, chị Thắng cho biết.

Sau hơn 20 năm sấy vải bằng lò than, vụ này hộ ông Vi Thành Luân, thôn Hăng Bông, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đầu tư 200 triệu đồng chuyển sang lắp đặt 1 lò sấy vải thiều vận hành bằng điện. Lò sấy có công suất từ 5-7 tấn vải tươi/mẻ trong 50 giờ sấy với chỉ 1 người vận hành máy vì hầu hết các công đoạn được cài đặt tự động. 

Theo ông Luân, chi phí cho 1 tấn vải sấy khô chỉ hết khoảng 3,5 triệu đồng, giảm gần một nửa so với dùng than. Việc dùng điện sấy vải không những giảm chi phí sản xuất mà còn tránh được ô nhiễm môi trường vì không thải khói bụi, sản phẩm có chất lượng cao hơn. Dự kiến vụ này ông Luân sẽ sấy khoảng 100 tấn vải khô, tương ứng với 350 tấn vải tươi.

Theo thống kê, huyện Lục Ngạn hiện có gần 3,5 nghìn lò sấy vải bằng than, trong đó có 112 lò công suất từ 3-50 tấn/mẻ. Vì là đầu vụ nên mới có 13 lò hoạt động. Cùng đó có 4 lò sấy điện đang vận hành. Tổng công suất khoảng 30 tấn/mẻ, trong đó, lò sấy điện của hộ ông Nguyễn Văn Điệp, thôn Sàng Bến, xã Tân Quang được lắp sớm nhất, từ năm 2019. 

Ngoài ra còn một lò điện đang chuẩn bị được lắp đặt tại thôn Trại 3, xã Quý Sơn. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn, các máy sấy này được đánh giá là thiết bị công nghệ mới siêu tiết kiệm; tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, được các thị trường khó tính chấp nhận, mở ra hướng mới trong chế biến vải thiều trên địa bàn.

Nhân rộng các lò công nghệ

Dù vậy, hiện sản phẩm vải sấy bằng điện của các hộ đang khó tìm đầu ra. Nguyên nhân là do chưa xây dựng được thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và bao bì sản phẩm. Hiện cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Điệp chủ yếu sấy vải thuê cho Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền. Còn sản phẩm vải khô của hộ ông Vi Thành Luân vẫn dự trữ trong kho, chờ cơ hội tiêu thụ.

Bắc Giang, đa dạng, hình thức, chế biến, tăng giá trị vải thiều

Chế biến vải thiều đóng hộp tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO.

Sau khi thăm một số mô hình lò sấy vải bằng điện tại Lục Ngạn hồi đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã hoan nghênh, động viên các DN, hộ gia đình khi mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào chế biến. Nhằm khuyến khích và nhân rộng các mô hình này, đồng chí yêu cầu huyện Lục Ngạn xây dựng kế hoạch hỗ trợ máy móc, thiết bị, hạ tầng lưới điện. 

Đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình, HTX thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại. Ông Hoàng Văn Lậy, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn cho biết, hiện Điện lực Lục Ngạn đã chuyển đổi hệ thống lưới điện, giúp các DN, hộ gia đình thuận lợi trong việc sấy vải. Phòng cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ in bao bì và máy móc, thiết bị sấy vải để nhân rộng các mô hình trong thời gian tới.

 

 

Huyện Lục Ngạn hiện có gần 3,5 nghìn lò sấy vải bằng than, trong đó có 112 lò công suất từ 3-50 tấn/mẻ. Cùng đó có 4 lò sấy điện đang vận hành, tổng công suất khoảng 30 tấn/mẻ.

 

Cùng với sấy khô, hiện còn có 3 công ty thu mua vải thiều của Lục Ngạn để chế biến vải thiều xuất khẩu với số lượng khá lớn là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP Bắc Giang) và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh). 

Tổng sản lượng vải chế biến sâu của 3 DN này hơn 4 nghìn tấn. Các sản phẩm gồm: Vải đông lạnh nguyên quả, ép nước, tách cùi đóng hộp… xuất khẩu sang: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nga và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU). 

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, vụ vải năm nay, DN có kế hoạch thu mua 2 nghìn tấn vải nguyên liệu. Trong đó, xuất khẩu tươi 500 tấn, còn lại là chế biến. Hiện các dây chuyền của Công ty đang hoạt động hết công suất để chế biến vải thiều với sản lượng từ đầu vụ đến nay khoảng 450 tấn.

Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên vải thiều của Lục Ngạn ra hoa, đậu quả với tỷ lệ cao. Dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện đạt hơn 95,5 nghìn tấn. Tính đến hết ngày 21/6, toàn huyện thu hoạch được khoảng 18 nghìn tấn vải. Hiện việc xuất khẩu vải tươi của Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng đang gặp khó. Vì thế việc đưa vải thiều vào sấy khô, chế biến sâu thực sự có ý nghĩa đối với vùng vải trọng điểm Lục Ngạn.

Bài, ảnh: Thế Đại

 

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/386026/bac-giang-da-dang-hinh-thuc-che-bien-tang-gia-tri-vai-thieu.html