|
  • :
  • :

Bắc Giang mở rộng liên kết, nâng giá trị cây vụ đông

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung thu hoạch vụ mùa, sản xuất vụ đông. Cùng với chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, vụ đông năm nay, nông dân trong tỉnh đón nhận “cú hích” mới khi tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ.

Sáng mùa, chiều đông

Những ngày này, trên khắp cánh đồng ở xã Đông Phú (Lục Nam), không khí lao động diễn ra khẩn trương. Vừa tranh thủ làm luống, bà Lê Thị Thật ở thôn Va chia sẻ, buổi sáng gia đình thu hoạch lúa, nhận thấy đất khô ráo nên ngay buổi chiều làm đất luôn để trồng hành. Ở ruộng kế bên, vợ chồng chị Vũ Thị Tuyết cũng đang chuẩn bị những công đoạn cuối để bước vào vụ hành mới. Theo chị Tuyết, trồng hành không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần tính toán kỹ lượng phân bón cũng như thời điểm bổ sung để cây sinh trưởng, phát triển tốt. 

Bắc Giang,  liên kết, giá trị, cây vụ đông, liên kết sản xuất

Nông dân xã Đông Phú (Lục Nam) trồng hành vụ đông.

Thường ngày, chồng chị Tuyết vẫn đi làm thợ xây nhưng vào vụ đông sẽ ở nhà cùng vợ làm nông nghiệp bởi đây là vụ chính, mang lại thu nhập cao. Năm nay, trên diện tích gần 1 mẫu ruộng, gia đình chị trồng các loại hành, khoai tây... “Nếu thời tiết, thị trường thuận lợi, mỗi sào hành cho thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng, có thời điểm thu hoạch vào lúc giá nông sản lên cao có thể đạt 9 đến 10 triệu đồng/sào”, chị Tuyết nói.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 22,5 nghìn ha rau, màu các loại (tương đương năm ngoái), trong đó rau 13,3 nghìn ha (chiếm gần 60%), còn lại là cây trồng khác như: Ngô (4,7 nghìn ha); khoai lang (hơn 2,1 nghìn ha); lạc (1,1 nghìn ha)... Để bảo đảm tiến độ thời vụ, ngay sau khi thu hoạch trà lúa mùa sớm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân bắt tay ngay vào sản xuất vụ đông. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 5,4 nghìn ha cây vụ đông, tập trung tại các huyện: Lục Nam (1,6 nghìn ha); Hiệp Hòa (1,5 nghìn ha); Tân Yên (860 ha)…

Tìm hiểu tại xã Lam Cốt (Tân Yên) được biết, với 310 ha trồng cây vụ đông, địa phương xác định rõ cây trồng chủ lực gồm: Lạc, ngô ngọt, còn lại là khoai tây và rau các loại. Ông Đồng Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Lam Cốt thông tin: “Nhờ chủ động giống, vật tư, đến nay toàn xã đã gieo trồng được hơn 70% diện tích vụ đông. Chúng tôi đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng rải vụ, tránh thu hoạch số lượng lớn nông sản cùng một thời điểm để hạn chế cung vượt cầu".

Hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm

Để hỗ trợ nông dân do ảnh hưởng của dịch, sau rất nhiều năm, vụ đông này, UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệụ tập trung phục vụ chế biến, xuất khẩu. Cụ thể, trong vụ đông, tỉnh dành hơn 8,2 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ chuỗi liên kết để hỗ trợ vật tư sản xuất rau, củ, quả các loại. Được hỗ trợ, nông dân phải sản xuất tập trung (tối thiểu 5 ha), liền vùng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Dù mức hỗ trợ không lớn song chính sách của tỉnh đã tạo “cú hích” để người dân quyết tâm hơn trong vụ đông này, tạo khí thế mới trong sản xuất. Căn cứ vào nguồn hỗ trợ, đến nay các địa phương đã lựa chọn 550 ha cây trồng đủ tiêu chuẩn để đề nghị hỗ trợ.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 22,5 nghìn ha rau, màu các loại (tương đương năm ngoái), trong đó rau 13,3 nghìn ha (chiếm gần 60%), còn lại là cây trồng khác như: Ngô, khoai lang, lạc... Để hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh dành hơn 8,2 tỷ đồng hỗ trợ vật tư sản xuất rau, củ, quả các loại.

Cùng với chính sách của tỉnh, các địa phương cũng có nhiều cơ chế kích cầu. Ví như tại huyện Tân Yên, năm nay địa phương tiếp tục hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của huyện gồm: Ngô ngọt, khoai tây, rau, quả chế biến xuất khẩu. 

Tương tự, để nông dân yên tâm sản xuất, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Nam cũng chủ động kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú cho biết: “Khác với những năm trước, vụ đông này, xã chủ động đứng ra kết nối với các đơn vị trong hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đến nay, cơ bản các loại nông sản đã được cam kết thu mua với giá ổn định”.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông năm nay, nông dân trong tỉnh có nhiều cơ hội để giành thắng lợi khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, trong khi tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, TP phía Nam vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch; ngành nông nghiệp và các địa phương sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông. Trong quá trình thực hiện chú trọng mở rộng liên kết để tổ chức sản xuất. 

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Theo dự báo, năm nay rét sớm và lạnh hơn, thuận lợi cho sản xuất cây vụ đông. Nhu cầu về thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao. Do đó ngành coi vụ đông là tiền đề để giữ đà tăng trưởng trong năm tới. Điểm nhấn đáng chú ý là cùng với duy trì tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh, vụ đông này, các địa phương, nông dân đã chủ động liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

 

Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/369255/bac-giang-mo-rong-lien-ket-nang-gia-tri-cay-vu-dong.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin