|
  • :
  • :

Bắc Kạn cần đẩy mạnh số hoá công tác xúc tiến thương mại

Số hoá công tác xúc tiến thương mại sẽ giúp tỉnh Bắc Kạn đạt hiệu quả hơn trong công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại với phóng viên xung quanh công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua và thời gian tới.

Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Bắc Kạn trong triển khai công tác xúc tiến thương mại thời gian qua?

Bắc Kạn là tỉnh có địa hình và đặc thù của một tỉnh miền núi phía Bắc rất khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhờ sự chủ động của cả hệ thống chính trị, Bắc Kạn đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là trong kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, lan toả thông tin về sản phẩm của tỉnh, nhất là trái bí xanh thơm tới người tiêu dùng cả nước.

Báo cáo từ Sở Công Thương Bắc Kạn cũng cho thấy, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh đã được tổ chức đúng thời điểm, chất lượng tốt do đó đạt hiệu quả cao. Đơn cử năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bắc Kạn đã tổ chức thành công Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” tại tỉnh; tổ chức 15 gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; hỗ trợ Công ty cổ phần Curcumin Bắc Hà tham gia lễ kích cầu du lịch tại Hà Nội thu hút trên 20.000 lượt khách thăm quan và mua sắm...

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử. Cụ thể: Hỗ trợ 8 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cổng thông tin giao dịch điện tử ngành Công Thương; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thiết kết các gian hàng; xây dựng và vận hành trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, Backanmarket...)… Kết quả thu hút trên 2.000 lượt khách thăm quan và mua sắm, trên thương mại điện tử, khoảng 10.000 người theo dõi và doanh thu bán hàng tại sự kiện đạt 67.435.000 đồng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, ông có gợi mở gì để Bắc Kạn nâng cao chất lượng công tác này đồng thời lan toả hơn nữa thương hiệu hàng hoá của tỉnh?

Còn nhiều dư địa để Bắc Kạn quảng bá nông sản nói riêng, hàng hoá nói chung. Theo đó, tỉnh tăng cường truyền thông về những nỗ lực nâng cao giá trị nông sản của bà con nông dân, hợp tác xã thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao như VietGAP, nông sản hữu cơ. Cùng nỗ lực để đạt một số chứng chỉ khác về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Song song với đó, tỉnh tập trung xây dựng chứng nhận về chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể cho một số nông sản đặc thù riêng để có thể quảng bá tốt hơn cho nông sản.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Có thể ứng dụng công nghệ đưa thông tin hàng hoá, sản phẩm của tỉnh lên mạng xã hội thông qua tiktok, facebook…Thậm chí qua cả những sàn thương mại điện lớn trong nước để tuyên truyền quảng bá rộng rãi hơn nữa đến thị trường trong nước .

Sản phẩm bí xanh thơm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử

Bắc Kạn cần đẩy mạnh số hoá công tác xúc tiến thương mại

Một hình thức xúc tiến thương mại nữa mà tỉnh đã bắt đầu triển khai và có thể nhân rộng quy mô trong thời gian tới là kết hợp du lịch trải nghiệm với quảng bá nông sản chủ lực. Cùng đó, quảng bá việc hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số gắn với bình đẳng giới; hỗ trợ hợp tác xã do nữ làm chủ để nâng cao trách nhiệm xã hội, từ đó nâng cao giá trị hàng hoá.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại trực tuyến là xu hướng tuy nhiên xúc tiến trực tiếp vẫn được các doanh nghiệp quan tâm đề xuất, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống sẽ tồn tại mãi mãi. Hoạt động trưng bày sản phẩm hàng hoá, du lịch trải nghiệm sẽ giúp người tiêu dùng, đối tác tiềm năng xem, sờ, nếm nông sản và tập quán thương mại trên thế giới cũng vậy.

Nếu chỉ vì có thương mại điện tử mà xúc tiến thương mại truyền thống mất đi thì những hội chợ lớn trên thế giới đã có mấy trăm năm nay sẽ không còn. Thực tế, hầu hết những nhà xuất khẩu của các nước muốn bán được hàng, ký kết được hợp đồng vẫn phải đi đến các hội chợ được tổ chức ở các nước.

Vì vậy, việc kết hợp song song giữa hình thức xúc tiến thương mại truyền thống với xúc tiến thương mại hiện đại là sự bổ sung hiệu quả và là xu hướng trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nga- Hoàng Lan thực hiện
 
Tác giả: Việt Nga- Hoàng Lan thực hiện
Nguồn: https://congthuong.vn/bac-kan-can-day-manh-so-hoa-cong-tac-xuc-tien-thuong-mai-180564.html