|
  • :
  • :

Bạc Liêu: Tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP

Dù chất lượng sản phẩm OCOP đã được khẳng định, nhưng không ít DN vẫn đang loay hoay với bài toán đầu ra.

Gặp khó với bài toán đầu ra

Sau 3 năm phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 91 sản phẩm được công nhận, trong đó, có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 67 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn đang gặp khó với bài toán đầu ra.

Hiện nay, quy mô sản xuất chủ yếu là quy mô nhỏ, các cơ sở chủ yếu là hộ sản xuất kinh doanh và một số ít là hợp tác xã. Quy trình sản xuất sản phẩm đơn giản, trang thiết bị máy móc chưa được đầu tư nhiều. Phần lớn các công đoạn trong quy trình sản xuất là làm bằng thủ công nên chất lượng sản phẩm được tạo ra chưa cao.

tm-img-alt

Một cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Ông Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Ghi nhận thực tế, người nông dân đa phần mới làm tốt ở khâu sản xuất, còn khâu quảng bá vẫn chưa được chú trọng. Trong khi đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường vẫn đang trong quá trình hồi phục sau dịch bệnh. Câu chuyện thị trường tiêu thụ vẫn đang là bài toán đau đầu cho những sản phẩm OCOP ở Bạc Liêu”.

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu, các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định và cao hơn so với lúc đầu (tăng trung bình từ 10 -15% so với trước khi được công nhận OCOP). Tuy nhiên, do khâu sản xuất các sản phẩm còn mang tính thời vụ, nên nguồn cung hàng hóa không ổn định, sản lượng cũng không nhiều.

Nguyên nhân thực tế là trong quá trình triển khai chương trình cũng còn những bất cập và vướng mắc cần phải tháo gỡ. Phần lớn các sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công; chất lượng sản phẩm chưa cao, bao bì nhãn mác còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh và chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ thủy hải sản. Ngoài ra, một số hộ còn ngại về vấn đề thủ tục và có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Đặc biệt, câu chuyện sản phẩm cũng còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương…

tm-img-alt

Tôm đất khô thiên nhiên của cơ sở Thiên Hương (sản phẩm OCOP tăng sản lượng 50%).

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm

 

Ông Võ Hùng Mạnh (ấp Cái Keo, xã An Phúc, huyện Đông Hải) là chủ cơ sở Thiên Hương với sản phẩm OCOP là tôm đất khô có sản lượng tăng đến 50%, cao nhất trong các sản phẩm của tỉnh. Chia sẻ về bí quyết phát triển của mình, ông Mạnh cho biết, để được người tiêu dùng tin tưởng, cơ sở luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Tôm được lựa chọn từ thiên nhiên và phơi nắng nên có màu đỏ tự nhiên, mang hương vị đậm đà, xứng đáng với danh hiệu “vua của tôm khô”. “Sắp tới, cơ sở mong muốn đưa sản phẩm tôm khô đến tất cả các siêu thị trên cả nước để nâng tầm sản phẩm địa phương Đông Hải nói riêng và Bạc Liêu nói chung”, ông Mạnh nhấn mạnh.

tm-img-alt

Ông Võ Hùng Mạnh, chủ cơ sở Thiên Hương với sản phẩm OCOP là tôm đất khô nổi tiếng.

Hiện nay, huyện Vĩnh Lợi là một trong những địa phương phát triển mạnh chương trình OCOP với nhiều sản phẩm chất lượng. Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Vĩnh Lợi cho biết, mục tiêu của huyện trong thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng và sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; gắn với các sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn các xã, thị trấn. Đồng thời, địa phương sẽ khuyến khích phát triển liên kết giữa hợp tác xã với tổ hợp tác và các hộ gia đình trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

tm-img-alt

Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Vĩnh Lợi, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương.

Được biết, từ năm 2019 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 4 đơn vị mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết (hỗ trợ mua sắm máy đóng gói tự động trong chế biến muối cho Công ty CP muối Bạc Liêu; hỗ trợ mua sắm máy sấy trong sản xuất cho Cơ sở Khô Kiều Hạnh và Cơ sở Nguyễn Thị Hải Liên; hỗ trợ mua sắm máy hút chân không trong sản xuất, bảo quản chả lụa cho Cơ sở sản xuất chả lụa Nam Á) và 09 cơ sở thực hiện thuê tư vấn thiết kế logo, bao bì đóng gói sản phẩm (Cơ sở Khô Kiều Hạnh, Cơ sở Nguyễn Thị Hải Liên, Cơ sở sản xuất chả lụa Nam Á, Cơ sở sản xuất rượu vang Lâm Vũ, Cơ sở Bánh phồng tôm Ý Tám, Cơ sở Đa Giàu, Hợp tác xã Tám Tháng Ba, Cơ sở Nông sản Việt và Cơ sở Bảy Lãnh).

 

Định hướng phát triển trong tương lai, Bạc Liêu xác định rất rõ OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, mang tính dài hạn, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. “Vì thế, các địa phương cần tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế và đặc trưng của mình, gắn với yếu tố văn hóa, truyền thống; Đẩy mạnh chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP đặc sắc và có giá trị cao. Đồng thời tìm nhiều con đường tiêu thụ cho các sản phẩm”, ông Đặng Minh Pháp khẳng định.

Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/bac-lieu-tim-dau-ra-cho-cac-san-pham-ocop-a106328.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin