|
  • :
  • :

Bảo Lâm - Cao Bằng: Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn đạt 53%

So với đô thị, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải ở khu vực này còn thiếu so với nhu cầu thực tế.

tm-img-alt

Rác thải sinh hoạt do người dân vứt bừa bãi bên vệ đường. Ảnh: TN

Bảo vệ môi trường nông thôn đang là vấn đề "nóng" được các địa phương tập trung xử lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đặt ra mục tiêu và những giải pháp chung cho vấn đề xử lý rác thải hiệu quả ở Việt Nam.

Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Bài toán rác thải nông thôn đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế.

Tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân

Thị trấn Pác Mjầu là trung tâm văn hóa, KT - XH của huyện, Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 1.000 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Đây là điểm dừng chân quan trọng trên tuyến vận chuyển hàng hóa Hà Giang - Cao Bằng nên rác thải từ hàng hóa, sinh hoạt khá lớn. Theo ước tính lượng rác thải sinh hoạt ở 4 khu và 5 xóm của thị trấn bình quân hơn 20 m3 rác thải/ngày. Trong khi, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn.

 

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Pác Mjầu Ma Thế Sỹ : Để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải, cấp ủy, chính quyền thị trấn xác định đẩy mạnh tuyên truyền là giải pháp then chốt. Hằng năm, thị trấn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại các tổ dân phố tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân không vứt rác bừa bãi ra đường, sông, suối…, làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường, tích cực thực hiện thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các tổ dân phố xây dựng quy ước phù hợp với luật pháp và văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương gắn với BVMT, giữ gìn vệ sinh chung.

Hiện nay, việc thu gom rác thải trên địa bàn thị trấn do Hợp tác xã vệ sinh môi trường Long Tuấn đảm nhiệm, tuy nhiên hợp tác xã mới chỉ thực hiện thu gom rác thải tại 4 khu trung tâm, 5 xóm còn lại chưa có điểm thu gom rác tập trung, chủ yếu các hộ gia đình tự thu gom và đốt rác thải tại nhà nên ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống. Thị trấn đang xin ý kiến của người dân về việc xây dựng lò đốt rác tập trung theo từng nhóm hộ. Qua những đợt tuyên truyền sâu rộng, bà con nhân dân đã có ý thức gom rác thải, không thải ra môi trường.

Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Huyện có 13 xã, thị trấn với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư sinh sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém. Do đó, việc triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được các cấp chính quyền huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…

 

Theo số liệu thống kê, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh trên địa bàn huyện bình quân 12.200 tấn/năm, trong đó, xã Thái Học 520 tấn/năm, xã Mông Ân 760 tấn/năm, xã Quảng Lâm 810 tấn/năm… Công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập do địa hình chia cắt, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung dẫn đến khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải tập trung và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Chưa có tổ, đội thu gom, xử lý rác thải tại các khu dân cư nông thôn sinh sống phân tán. Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh : Những năm qua, huyện thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân, nhất là ở vùng nông thôn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải nông thôn, lò đốt rác thải cho các hộ gia đình tại các xã. Đến nay, tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 90%, khu vực nông thôn được 53%. Năm 2022, huyện phân bổ 1,6 tỷ đồng cho 13 xã, thị trấn thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn.

"Vấn đề xử lý rác thải trong thực hiện tiêu chí môi trường đối với huyện hiện nay dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, cần có sự quan tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành. Thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân. Bố trí kinh phí đầu tư xây dựng một số hạng mục như: dự án xử lý, nâng cấp, cải tạo bãi chôn lấp rác thải tại thị trấn Pác Mjầu, lò đốt rác thải sinh hoạt phân tán tại các khu vực nông thôn; hỗ trợ kinh phí các xã, thị trấn thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt" ông Mã Gia Hãnh chia sẻ thêm./.

 

Theo Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Nguyễn Thượng Hiền : Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên từng địa phương, từng vùng miền.

Mặt khác, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn vận hành lò đốt, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/bao-lam-cao-bang-ty-le-thu-gom-xu-ly-rac-thai-nong-thon-dat-53-a106631.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin