|
  • :
  • :

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn

Bất cập xung quanh câu chuyện xã hội hóa nước sạch nông thôn, niềm mong muốn có nước sạch sinh hoạt ở những nơi vẫn chỉ là ước mơ.

Khi các dự án nước sạch được đồng loạt triển khai cũng là khi người dân được hưởng lợi. Xã hội hóa nước sạch nông thôn - Chủ trương đúng nhưng thực hiện cần công khai, minh bạch.

Hiệu quả từ mô hình xã hội hóa cung cấp nước sạch

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng nước sạch tất yếu cũng tăng. Để phủ được nước sạch, không chỉ cần nguồn vốn đầu tư công mà cần có cả sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp. Xã hội hóa nước sạch, nhất là ở khu vực nông thôn vì thế là một chủ trương đúng đắn, vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Mong muốn được sử dụng nước sạch với chị Tuyền (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) giờ đã trở thành hiện thực. Dù mỗi tháng gia đình chị mất thêm từ 100.000 - 200.000 đồng tiền chi phí nước sạch, nhưng đổi lại khoản tiền đó đã mang đến sự yên tâm hơn cho cả gia đình, vì không phải dùng nước giếng khoan để ăn uống như trước nữa.

 

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 1.

Trong bối cảnh nguồn nước ngầm có biểu hiện ngày càng ô nhiễm, nước sạch lại càng cần thiết với các hộ dân hơn bao giờ hết. Đáp ứng nhu cầu đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 42 nhà máy nước sạch hoạt động. Được miễn tiền thuê đất hàng năm cùng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh. Qua 6 năm kể từ thời điểm xây dựng đến nay, nhà máy nước sạch này từng bước mở rộng quy mô gia tăng công suất thiết kế để cấp nước cho người dân.

Cách đây khoảng 10 năm, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn, tỉnh Hưng Yên đã quyết định kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp cũng như sự tham gia đóng góp của người dân. Bởi nguồn vốn đầu tư công không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Kết quả đến nay, gần như mạng lưới đường ống nước sạch đã phủ kín gần 100% khu dân cư trên địa bàn.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 2.

Tại nhiều địa phương khác như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, việc xã hội hóa công tác đầu tư nước sạch đã đẩy nhanh quá trình đưa nước sạch về nông thôn.

 

Cần minh bạch khoản thu khi triển khai xã hội hóa nước sạch

Không phủ nhận hiệu quả tích cực mang lại từ việc triển khai xã hội hóa nước sạch nông thôn, nhưng thời gian qua, cũng tại nhiều địa phương, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn thắc mắc cho rằng chủ đầu tư chưa minh bạch trong quá trình thu chi liên quan khoản tiền thỏa thuận, lắp đặt đấu nối đồng hồ đo nước, nên vô hình chung trở thành rào cản đối với việc sử dụng và tiếp cận nước sạch của người dân.

Thực tế tại các địa phương, chủ đầu tư dự án nước sạch đã triển khai nhiều hình thức thỏa thuận với người dân. Về cơ bản, có 3 cách:

 

- Doanh nghiệp hoàn trả lại dần tiền cho người dân, bằng cách khấu trừ vào giá nước

- Căn cứ vào số tiền người dân đóng góp thì doanh nghiệp sẽ trình UBND tỉnh để phê duyệt giảm giá nước bán ra

- Hoặc trả lợi tức, lợi nhuận cho người dân từ số tiền đóng góp, nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi

Như vậy, theo chính sách của việc huy động đóng tiền này, người dân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi đi kèm. Nhưng quan trọng nhất là quá trình triển khai thu tiền, mọi thông tin được công khai, minh bạch đến đâu và như thế nào?

Để được sử dụng nước sạch, ông Vũ Viết Bộ (thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã phải nộp 3,1 triệu đồng, theo phát giá của công ty Cổ phần cấp nước Phú Hưng.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 3.

Để được sử dụng nước sạch, ông Vũ Viết Bộ đã phải nộp 3,1 triệu đồng

Theo tìm hiểu, số tiền 3,1 triệu đồng mà công ty nước sạch thu của mỗi hộ dân là tiền để lắp đặt một cụm đồng hồ đo nước. Số tiền này được doanh nghiệp khẳng định là đã thỏa thuận với người dân. Nhưng nếu người dân không đồng ý nộp thì cũng không được sử dụng nước sạch. Điều đáng nói, theo phản ánh, khi đóng tiền lắp đặt cụm đồng hồ đo nước phía doanh nghiệp lại không xuất hóa đơn tài chính mà chỉ có những tờ phiếu thu.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 4.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, từ tháng 12 năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quy định về giá bán nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong đó, nếu người dân đầu tư và đấu nối cụm đồng hồ thì giá nước sẽ rẻ hơn 1.800 đồng/ m3.

Để các doanh nghiệp tham khảo áp dụng, địa phương này cũng ban hành định mức dự toán lắp đặt một cụm đồng hồ đo nước với 19 hạng mục chi phí khác nhau. Tuy nhiên, trong biên bản nghiệm thu khối lượng công việc để thu tiền lắp đặt đồng hồ cho người dân, phía Công ty Nước sạch Phú Hưng lại chỉ kê khai công việc, vật liệu và số lượng chung chung, mà không hề ghi đơn giá tiền đối với bất kỳ một hạng mục chi phí nào.

Trả lời phóng viên về một đồng hồ đo nước đã lắp đặt, Công ty Nước sạch Phú Hưng thông tin có giá hơn 600.000 đồng. Tuy nhiên, một đồng hồ đo nước cùng loại, đang được các đầu mối kinh doanh trên thị trường báo giá chỉ khoảng từ 350.000 - 490.000 đồng/ chiếc, tức là rẻ hơn nhiều so với mức giá công ty nước sạch thu của người dân.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 5.

Cũng tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, một doanh nghiệp khác đã thu tiền lắp đặt đồng hồ đo nước, nhưng mức thu còn cao hơn với 3,5 triệu đồng/hộ. Theo hóa đơn, giá cho một cụm đồng hồ được công ty Nước sạch Ngọc Tuấn kê khai là hơn 1,8 triệu đồng/ chiếc. Trong khi một cụm đồng hồ đo nước cùng chủng loại, đã được kiểm định, giá chỉ dao động ở mức 600.000 - 700.000 đồng/ chiếc.

Hiện mạng lưới đường ống nước sạch đã phủ kín toàn bộ địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhưng vẫn còn tỷ lệ 30% các hộ dân chưa mặn mà sử dụng.

Thu phí đồng hồ nước - Rào cản chung tại nhiều địa phương

Hiện nay, việc thu tiền lắp đặt đấu nối sử dụng đồng hồ nước diễn ra tại nhiều dự án cung cấp nước sạch ở các địa phương trong cả nước. Mỗi nơi cũng đang triển khai thu một mức giá khác nhau. Và cũng gặp không ít ý kiến thắc mắc.

Như tại địa bàn huyện Mê Linh, Công ty cổ phần Nước sạch Mê Linh đã triển khai thu của người dân số tiền 3,5 triệu đồng. Trước đó, tại một số xã Quảng Yên, Quảng Văn thuộc huyện Quảng Xương, từ cuối năm 2019 đến nay, nếu hộ nào sử dụng nước sạch thì phải đóng 5 triệu đồng. Một số nơi khác thuộc huyện Hà Trung, công ty nước sạch còn phát giá khoảng 6 triệu đồng.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 6.

Có nhiều lý do để các doanh nghiệp có thể lý giải cho sự chênh lệch về khoản tiền thu của người dân khi triển khai nước sạch như: địa hình, vị trí khu dân cư với nhà máy cấp nước; hoặc là vốn đầu tư, phương án giữa các dự án khác nhau... Dù là vì lý do nào đi chăng nữa, việc triển khai, huy động sự tham gia đóng góp trong việc lắp đặt đồng hồ đo nước cần đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định thì mới tạo được sự đồng thuận của người dân.

Bỏ tiền mua nước sạch lại nhận về "nước bẩn"

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể các số lượng các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp nước sạch. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế, thách thức liên quan đến công nghệ, năng lực, chi phí đầu tư lớn… và đặc biệt là quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước vẫn còn hạn chế. Câu chuyện dở khóc dở cười tái diễn dai dẳng nhiều năm qua tại địa bàn xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, khi người dân bỏ tiền mua nước sạch nhưng lại nhận về thứ nước nhiễm mặn.

Nhìn dòng nước trong veo có lẽ chẳng ai dám nghi ngờ về chất lượng nước sạch mà công ty trên địa bàn xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy cung cấp. Nhưng theo phản ánh của của người dân, nước sạch ở đây thường xuyên nhiễm mặn. Họ lo ngại nếu sử dụng lâu dài có thể sẽ gây suy đa tạng và các bệnh về da.

Một số người dân nói với phóng viên rằng khi mà luộc rau hay nấu canh thì không cần phải cho thêm gia vị nữa vì nước sạch đã mặn rồi. Nói vui như vậy, nhưng thời gian gần đây, người dân đã không còn sử dụng nước sạch để ăn uống nữa.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 7.

Vốn là trạm cấp nước của xã Thụy Quỳnh được đầu tư xây dựng từ năm 2009, đến năm 2015, công trình này được chuyển giao cho một doanh nghiệp tư nhân quản lý khai thác sử dụng và bán nước cho người dân. Theo báo cáo của phía xã, dù công ty đã nhiều lần cải tạo, nâng cấp một số hạng mục liên quan đến hệ thống đường ống, hệ thống xử lý nước, nhưng chất lượng nước thường xuyên bị nhiễm mặn và không đảm bảo yêu cầu.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 8.

Bỏ tiền 6.300 đồng để mua một m3 nước sạch, nhưng nhận về thứ nước chẳng sử dụng ăn uống được. Rất nhiều biên bản, báo cáo từ các cuộc họp liên ngành liên quan đến tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn đã được UBND xã Thụy Quỳnh lưu lại qua các năm. Nhưng tình hình có vẻ như vẫn dậm chân tại chỗ vì trạm cấp nước của xã sử dụng nguồn nước mặt sông Hóa để xử lý. Trong khi nguồn nước này thường xuyên bị nhiễm mặn, nhiễm lợ kéo dài qua các năm.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 9.

Trạm cấp nước của xã sử dụng nguồn nước mặt sông Hóa để xử lý.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 10.

Trước thực tế như vậy, để tiết kiệm chi phí mua nước đóng bình, trường mầm non xã Thụy Quỳnh bố trí thêm một hệ thống máy lọc để sử dụng nguồn nước sạch từ công trình trên địa bàn cho các cháu ăn uống, sinh hoạt. Chẳng biết chất lượng nước sau lọc đạt chuẩn đến mức độ nào, nhưng tâm lý chung thì ai cũng nghĩ: Thêm một hệ thống lọc cũng đồng nghĩa sẽ có thêm sự yên tâm hơn.

Bất cập xã hội hóa nước sạch nông thôn - Ảnh 11.

Trường mầm non xã Thụy Quỳnh bố trí thêm một hệ thống máy lọc để sử dụng nguồn nước sạch từ công trình trên địa bàn cho các cháu ăn uống, sinh hoạt.

Trong khi, giờ nhiều hộ dân trong xã lại lựa chọn cách khác: bỏ hẳn nước sạch và chuyển sang dùng nước mưa dự trữ để ăn uống hàng ngày.

Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/bat-cap-xa-hoi-hoa-nuoc-sach-nong-thon-a136593.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin