Kế hoạch nhằm nhân rộng mô hình trồng cây xanh trên các tuyến đường dọc kênh thủy lợi, các tuyến đường liên huyện, xã, các khu đất trống, đồi trọc do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong khối thi đua thuộc cơ quan cấp tỉnh; nâng cao nhận thức về vai trò của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời góp phần phục hồi mảng xanh, phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công trình trồng cây xanh trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025. Hàng năm mỗi khối thi đua thực hiện hoàn thành ít nhất 1 công trình trồng cây xanh trên các tuyến đường dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, các tuyến đường chính của địa phương, dọc kênh thủy lợi, khu đất trống, đồi trọc do Nhà nước quản lý (ưu tiên lựa chọn thực hiện công trình dọc các kênh thủy lợi lớn, các tuyến đường liên huyện, liên xã để tạo cảnh quan); mỗi công trình trồng tối thiểu 1.000 cây.
Các cây được lựa chọn để trồng phải phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu địa phương, khu vực; ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, cây đa mục đích sử dụng, cây có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao như bạch đàn, dầu rái, keo lai, keo lá tràm, sao đen, xoan chịu hạn, trôm, keo chịu hạn, xoan ta, keo lá liềm, lim xanh, giáng hương, phi lao... Ngoài ra, có thể nghiên cứu, lựa chọn một số loài cây trồng phân tán khu vực đô thị theo danh mục các loài cây trồng trong kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Việc triển khai trồng cây xanh nên thực hiện trong mùa mưa năm 2024 - 2025 để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao, phát triển tốt sau khi trồng, trong đó sẽ thực hiện trồng cây vào tháng 6 - 7 đối với các huyện phía nam tỉnh và tháng 8 - 9 đối với các huyện phía bắc tỉnh.
Địa điểm trồng cây xanh dọc các tuyến kênh thủy lợi, gồm: Kênh tiếp nước hồ Lòng Sông - hồ Đá Bạc, huyện Tuy Phong; Kênh chính Đông của Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, huyện Bắc Bình; Kênh tiếp nước Hồ Cà Giây, huyện Bắc Bình; Kênh tiếp nước Đập 812 - Châu Tá - Sông Quao, thuộc huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc; Kênh chính Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc; Kênh tiếp nước hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập - hồ Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam; Kênh chính Đông Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam; Kênh chính Bắc Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam; Kênh chính Sông Phan, huyện Hàm Tân; Kênh chính Tây hồ Sông Dinh 3, huyện Hàm Tân.
Các tuyến đường dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, các tuyến đường chính của địa phương. Các khu đất trống, đồi trọc do Nhà nước quản lý. Các trục đường ngang kết nối điểm liên thông trên tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, gồm: Đường kết nối cao tốc đến QL 1A tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong; Đường kết nối cao tốc từ xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình đến khu vực ven biển Hòa Phú, huyện Tuy Phong; Đường kết nối cao tốc từ thị trấn Lương Sơn đến khu vực ven biển Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; Đường kết nối cao tốc thông qua QL 28 đến QL 1A vào TP. Phan Thiết; Đường kết nối cao tốc từ xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam đến khu vực ven biển Tiến Thành, TP. Phan Thiết; Đường kết nối cao tốc từ Tân Nghĩa đến khu vực ven biển Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải, huyện Hàm Tân; Đường kết nối từ ĐT.720 xã Tân Minh, huyện Hàm Tân đến Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân.
Ngoài ra UBND tỉnh còn yêu cầu giao chỉ tiêu cụ thể về kế hoạch trồng cây đến các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện nhân rộng các công trình trồng cây xanh. Việc thực hiện công trình phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thiết thực, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Sau khi trồng cây xanh phải gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ; đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt; đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, môi trường, cảnh quan...