Những ngày này, chị Đặng Thị Thanh Hoa, cán bộ Hội Nông dân thành phố Vinh bù đầu với việc liên hệ với các chủ hộ sản xuất thống nhất về giá cả, số lượng hàng hóa, chất lượng các nông sản; đăng thông tin về việc cung cấp nông sản của người dân thành phố lên các trang của hội, nhóm, sau đó là nhận đơn hàng, liên hệ shipper để kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho hội viên mùa dịch Covid 19.
Chị Hoa cho biết: “Từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn thành phố, việc kết nối cung - cầu về các loại nông sản giữa người dân các phường, xã đã được manh nha. Theo đó, Hội Nông dân các xã nắm tình hình sản xuất, cung ứng của các hộ hội viên, sau đó, Hội Nông dân thành phố đứng ra làm cầu nối nhu cầu của người dân thành phố và cung ứng gạo, trứng, thịt, rau, củ, quả cho người dân.
Nhiều mặt hàng thực phẩm được vận chuyển đến các chốt phục vụ người dân vùng cách ly. Ảnh: Thanh Phúc
Đặc biệt, trong những ngày TP. Vinh thực hiện Chỉ thị 16, nhiều chợ ngừng hoạt động, xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh nên việc kết nối này được đẩy mạnh. Hiện các mặt hàng thiết yếu như: gạo, lạc, thịt, trứng, rau, củ, quả… đã được kết nối, đảm bảo cung cấp thường xuyên cho người dân thành phố”.
Bắt đầu từ tháng 3/2021, khi một số nông sản của nông dân trên địa bàn gặp khó về khâu tiêu thụ, Hội Nông dân Nghi Lộc đã đứng ra kết nối tiêu thụ cho người dân. Theo đó, từ tháng 3 đến nay đã tiêu thụ được 10 tấn hành tăm cho nông dân Nghi Kiều, Nghi Lâm; 10 tấn dưa lưới, 5 tấn dưa hấu, cà chua cho dân các xã nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Phong, Nghi Trung; 25 tấn quýt cho nông dân Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp; 3 tấn hành tím Sóc Trăng và mận hậu Sơn La; 4 tấn bơ, sầu riêng cho nông dân Đắk Lắk.
Hội Nông dân các địa phương đều có nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân trong những ngày giãn cách. Ảnh: Thanh Phúc
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Nghi Lộc thực hiện Chỉ thị 16 nên việc giao thương khó khăn hơn, do đó, điều tiết cung - cầu, kết nối bên mua - bên bán trở nên cấp thiết. Trước tình hình đó, “Tổ hỗ trợ nông vụ” được thành lập với các thành viên là BTV Hội Nông dân huyện và 29 tổ cấp xã do Chủ tịch Hội Nông dân các xã làm tổ trưởng.
Chị Lê Thị Tâm Bình - Tổ trưởng Tổ hỗ trợ nông vụ, Hội Nông dân huyện Nghi Lộc cho biết: “Các tổ có nhiệm vụ nắm bắt lịch nông vụ của bà con, hiện đang thu hoạch cái gì, giá cả ra sao, chất lượng thế nào. Sau đó, đăng tin lên các hội nhóm, để người dân cần thì đặt hàng. Đối với các vùng cách ly, tổ sẽ nhận hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng giúp dân”.
Nhiều mặt hàng, trong đó có dưa lưới được Tổ hỗ trợ nông vụ đứng ra kết nối tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc
Thời điểm này, nhiều vườn dưa lưới ở các xã Nghi Trung, Nghi Thịnh, Nghi Trường đang vào chính vụ thu hoạch để bán dịp Rằm. Song do dịch bệnh nên hàng chục tấn dưa có nguy cơ ế ẩm vì không thể xuất bán ra các huyện, tỉnh khác. Tuy nhiên thông qua kênh kết nối của tổ Hỗ trợ nông vụ, các vườn dưa đến nay đã được bán.
Chị Phan Thị Hạnh, một hộ trồng dưa lưới ở xóm 1, xã Nghi Thịnh cho biết: “Hai nhà lưới, hơn 3 tấn dưa sẽ rộ thu hoạch để bán Rằm tháng Bảy thì lại vướng ngay Chỉ thị 16 khiến gia đình tôi như “ngồi trên lửa”. May mắn, thông qua cầu nối của Tổ hỗ trợ nông vụ, 2/3 sản lượng dưa đã được cắt bán hết trong 4 ngày qua”.
Hàng tấn dưa lưới của các nhà vườn đã tìm được đầu ra thông qua kênh kết nối của Hội Nông dân. Ảnh: Thanh Phúc
Với mục đích hỗ trợ bà con nhân dân trong thời gian thị xã Cửa Lò thực hiện Chỉ thị 16, hạn chế việc đi lại, đồng thời giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông, ngư nghiệp, Hội Nông dân các phường ở TX. Cửa Lò đã thành lập “Tổ kết nối hỗ trợ nông dân”.
Theo đó, tổ sẽ hỗ trợ đi lại để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân. Người dân chỉ cần lên đơn các sản phẩm cần mua kèm địa chỉ và số điện thoại, các thành viên trong tổ sẽ mua và giao tận nhà. Đồng thời, tổ cũng là cầu nối đối với những người có nông, hải sản cần bán thì sẽ tiêu thụ giúp.
Nhiều mặt hàng hải sản của người dân TX. Cửa Lò cũng được kết nối tiêu thụ kịp thời. Ảnh: Thanh Phúc
Với mục tiêu thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa sản xuất và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, để hạn chế người của địa phương đi ra ngoài, tránh lây lan dịch bệnh, Hội Nông dân các địa phương đã liên kết với nhau để tiêu thụ nông sản cho người dân. Đây là cách làm hay để người dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đời sống và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả./.