Khóm là đặc sản nổi tiếng của tỉnh và là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 1.000ha khóm. Trong đó, diện tích đang cho trái gần 900ha, sản lượng đạt hơn 22.828 tấn/năm. Tập trung nhiều ở các huyện: Thạnh Hóa, Bến Lức, Thủ Thừa.
Theo nhiều nông dân, khóm được trồng ở những vùng đất có độ phèn, mặn càng cao thì trái khóm càng nặng ký và càng ngon, ngọt. Chính vì đặc điểm này, cây khóm đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng “rốn phèn” và làm thay đổi diện mạo vùng quê nghèo khó năm nào.
Cây khóm mang lại thu nhập cho nông dân và dần trở thành một trong các loại cây chủ lực của huyện Thủ Thừa
Giống khóm được nhiều nông dân chọn trồng là giống Queen (Nữ Hoàng). Điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu khóm Long An là nhờ vị ngọt thanh, thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, nhiều nước, ăn giòn, ngọt, ít rát lưỡi. Để có được đặc điểm này, nông dân trồng khóm không chỉ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà còn biết cách khai thác tốt thổ nhưỡng của vùng đất nhiễm phèn.
Thông thường vào đầu mùa mưa, nông dân bắt đầu xuống giống khóm. Xuống giống thời điểm này, nông dân không cần tốn quá nhiều công chăm sóc, bởi không phải tưới nước nhiều, giảm được hao hụt cây giống, khóm phát triển tốt. Nếu trồng bằng chồi thân thì khoảng 8-10 tháng, nông dân sẽ xử lý ra hoa, còn nếu trồng bằng chồi cuống thì 12 tháng mới xử lý ra hoa. Để trồng được loại cây này, nông dân ươm chồi trước 2-3 tháng. Cây con cao bằng gang tay có thể mang đi trồng. Bình quân nông dân trồng khoảng 35.000 cây/ha, khoảng cách giữa các cây từ 40-50cm.
Ông Phạm Văn Tỵ (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Hiện nay, đa phần nông dân địa phương đều trồng khóm theo phương pháp lưu gốc nên sau khoảng 16 tháng thì khóm mới bắt đầu cho thu hoạch. Phương pháp này mặc dù lâu cho thu hoạch hơn so với trồng bằng chồi thân hay chồi cuống nhưng lại giúp cho nông dân có thể chủ động trong khâu xử lý ra trái, tránh trường hợp khóm cho thu hoạch cùng lúc với số lượng lớn sẽ bị thương lái ép giá. Trung bình 2 tháng, nông dân sẽ xử lý ra trái 1 lần”.
Nông dân huyện Thủ Thừa thu hoạch khóm
Nhận thấy cây khóm phát triển tốt trên vùng “rốn phèn”, năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Khóm Thủ Thừa (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) được thành lập, có 10 thành viên tham gia, diện tích sản xuất hơn 50ha. Tuy nhiên, hiện nay, điều HTX quan tâm nhất là chưa tìm được đầu ra ổn định cho trái khóm, bởi đa số nông dân vẫn bán khóm tươi qua thương lái, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp, chưa có sản phẩm sau chế biến.
Theo Giám đốc HTX Khóm Thủ Thừa - Nguyễn Thành Trung, năm đầu tiên thu hoạch, khóm cho sản lượng khoảng 25 tấn/ha, năm thứ 2 khoảng 20 tấn/ha, năm thứ 3 khoảng 15 tấn/ha. Khóm trái khi thu hoạch được phân làm 3 loại dựa vào trọng lượng, trong đó loại I phải đạt từ 1,2kg/trái trở lên. Chi phí trồng 1ha khóm năm đầu tiên dao động từ 80-100 triệu đồng; năm thứ 2, thứ 3, mỗi năm khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân thu lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.
“Định hướng thời gian tới của HTX là chuẩn hóa chất lượng trái khóm để xuất khẩu, bởi nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước thì nông dân rất dễ lâm vào tình trạng “được mùa, rớt giá”. Tuy nhiên, để đưa trái khóm “xuất ngoại” rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan trong việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mã số vùng trồng và kết nối tiêu thụ” - ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Từ khi “bén duyên” trên địa bàn huyện Thủ Thừa, cây khóm trở thành một trong các loại cây chủ lực của địa phương, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập./.
Bùi Tùng