|
  • :
  • :

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Hiện nay, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp hiệu quả để hạn chế thấp nhất các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Chị Trần Mỹ Thanh (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) có thu nhập ổn định từ nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học

Mặc dù giá thức ăn công nghiệp tăng, dịch bệnh tiềm ẩn nhưng gần 15 năm qua, chị Trần Mỹ Thanh (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vẫn duy trì mô hình Nuôi gà thịt. Trung bình 3,5 tháng, khi gà đạt trọng lượng từ 2,2-2,7kg/con là có thể xuất chuồng, thương lái đến tận nơi thu mua, giá dao động từ 55.000-60.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, chị Thanh có lợi nhuận trên 35 triệu đồng/đợt.

Để đạt hiệu quả kinh tế, chị Thanh áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khu chăn nuôi được chia làm 2 chuồng cách xa nhau. Chuồng thứ nhất để nhập con giống về, giữ ấm và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Sau 40 ngày, gà sẽ được đưa sang chuồng thứ 2. Chuồng thứ 2 được ngăn thành 2 vách để tách biệt giữa gà trống, gà mái. Xung quanh chuồng gà được bao bọc bởi nhiều tấm lưới nhằm ngăn không cho các loại động vật khác vào. Nước uống cho gà được sử dụng qua hệ thống lọc, tuyệt đối không cho uống nước mưa. Ngoài thức ăn công nghiệp, chị còn tận dụng thêm các loại rau để bổ sung chất xơ cho gà.

Chị Thanh cho biết: “Hàng ngày vào buổi sáng, tôi dọn vệ sinh chuồng trại, rửa tất cả đồ đựng nước, thức ăn cho gà. Sau khi xuất chuồng, tôi rải vôi, phun thuốc để diệt hết mầm bệnh, sau đó mới tái đàn. Quan trọng nhất trong nuôi gà là tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại. Nhờ nuôi gà hiệu quả, tôi vừa có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên”.

Xác định chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi, năm 2023, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 1 lớp dạy nghề thú y trên gia súc cho nông dân, thời gian dưới 3 tháng với trên 30 học viên tham gia.

Ông Châu Công Hạnh (ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) là một trong những nông dân tham gia lớp học này. Khi được tiếp cận kiến thức, ông Hạnh biết cách vệ sinh chuồng trại, các loại thuốc dùng cho gia súc. Ông Hạnh bộc bạch: “Trước đây, tôi chủ yếu nuôi bò theo kinh nghiệm, người này chỉ người kia. Khi tham gia lớp học, tôi biết được lợi ích của vệ sinh chuồng trại thường xuyên, quy trình phòng bệnh cho gia súc, cơ chế phát sinh một số bệnh thường gặp trên gia súc, công dụng của các loại thuốc thú y thông thường, các kỹ năng xử lý và phòng, chống bệnh trên gia súc,... Tôi sẽ áp dụng kiến thức đã học vào nuôi bò”.

Bác sĩ thú y Bùi Quốc Hưng thực hành thực tế cho học viên tham khảo

Theo bác sĩ thú y Bùi Quốc Hưng (chuyên viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh), hiện nay, người chăn nuôi chưa biết cách chọn con giống, phối giống chất lượng. Từ đó, bò nuôi không lớn, không đạt trọng lượng nên bán giá thấp, lợi nhuận giảm. Khi lớp dạy nghề thú y trên gia súc được tổ chức tại xã Hướng Thọ Phú, anh Bùi Quốc Hưng chú trọng chia sẻ về lợi ích của việc chọn giống tốt, chất lượng và kỹ thuật nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Bác sĩ thú y Bùi Quốc Hưng cho biết: “Để tạo hứng thú cho học viên, các nội dung trong chương trình học phù hợp thực tế, trong đó, chú trọng dạy thực hành nhiều hơn lý thuyết. Trong lớp học này, tôi tập trung nói về cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như hạn chế người lạ vào chuồng, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, chọn con giống rõ nguồn gốc,…”.

Trước tình hình giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng nhưng đầu ra gia súc, gia cầm không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là giải pháp hiệu quả để duy trì đàn vật nuôi, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống./.

Lê Ngọc

Nguồn: https://baolongan.vn/chan-nuoi-theo-huong-an-toan-sinh-hoc-giam-chi-phi-tang-loi-nhuan-a165993.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin