Giá thức ăn tăng cao khiến người nuôi tôm gặp khó
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn tôm đã được điều chỉnh tăng khá cao, với mức tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Để gỡ khó khi giá thức ăn tăng cao, ngành Nông nghiệp và người nuôi cần có giải pháp thả nuôi và phòng trị bệnh hiệu quả nhằm giảm hao hụt và chi phí đầu vào. Theo các nhà phân phối, giá thức ăn đã bắt đầu tăng từ đầu năm 2021 cho đến nay. Nguyên nhân là giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản hiện nay biến động liên tục.
Ông Lê Văn Thìn (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) cho biết: “Giá thức ăn tăng cao cùng với thời tiết thay đổi thất thường khiến người nuôi tôm ngại thả nuôi vụ mới. Bởi, hiện nay, để nuôi tôm đạt hiệu quả, đòi hỏi người nuôi phải bảo đảm được số lượng và kích cỡ tôm”.
Ông Lâm Văn Việt (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) bộc bạch: “Vụ vừa qua, mặc dù nuôi tôm đạt năng suất và kích cỡ tốt nhưng lợi nhuận không nhiều do giá thức ăn tăng cao. Hiện nay, giá tôm giống, thức ăn cho tôm vẫn ở mức cao và đang tăng thêm so với vụ trước, trung bình mỗi bao thức ăn tăng gần 50.000 đồng. Theo ước tính, chi phí sản xuất vụ này tăng khoảng 10% so với vụ trước. Do đó, nhiều nông dân chỉ thả nuôi cầm chừng”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Trước tình hình giá thức ăn tăng cao, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân nên đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm số lượng đầu con và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh thả nuôi hơn 787ha tôm, bằng 12,2% kế hoạch (6.455ha), bằng 108,1% so cùng kỳ; trong đó, thu hoạch 399ha, năng suất bình quân 3,1 tấn/ha với tổng sản lượng 1.250 tấn.
Với giá thức ăn tăng mạnh như hiện nay, người nuôi sẽ khó có lợi nhuận nếu tôm bị rớt giá. Chi phí đầu vào tăng cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với giá tôm bán ra vẫn luôn là nỗi trăn trở của người dân./.
B.Tùng