|
  • :
  • :

Chủ động chế biến, Sơn La giảm áp lực tiêu thụ nhãn tươi

Năm nay, Sơn La tiếp tục được mùa nhãn, với tổng sản lượng đạt gần 100.000 tấn, với viêc chủ động các kênh tiêu thụ và đẩy mạnh chế biến nhãn đã giảm áp lực đầu ra khi xuất khẩu khó khăn do dịch bệnh.

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho việc vận chuyển, tiêu thụ nhãn ở các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu, tỉnh Sơn La đã sớm có kế hoạch chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn. Theo đó giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, tạo công ăn việc làm tại chỗ, lao động dôi dư bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Chế biến long nhãn vừa giảm áp lực tiêu thụ, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.

Chế biến long nhãn vừa giảm áp lực tiêu thụ, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương

Với sản lượng khoảng 600-700 tấn nhãn, trước vụ thu hoạch năm nay, 20 thành viên của Hợp tác xã Hưng Lộc, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng 10 lò sấy hơi để chế biến long nhãn. Trung bình mỗi lò hợp tác xã đầu tư gần 200 triệu đồng, trong đó có sự hỗ trợ một phần của tỉnh.

Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lộc, trước vụ thu hoạch nhãn khoảng 2 tháng, cán bộ các Phòng chức năng của huyện Sông Mã đã đến tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị năm nay tập trung vào chế biến, vì ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khó cho việc vận chuyển, tiêu thụ. Theo đó, các thành viên sớm sẵn sàng tâm thế, đưa 70-80% sản lượng nhãn tươi sang làm long, còn lại xuất khẩu và điều quan trọng là nhãn không phải mang bán ngoài chợ. Từ đầu vụ đến nay, Hợp tác xã đã xuất khẩu được gần 50 tấn nhãn sang Trung Quốc và chế biến hơn 40 tấn quả tươi.

“Giá nhãn bây giờ thì không lỗ nhưng thu nhập không được nhiều như mọi năm. Giá long nhãn là 125.000 - 130.000 đồng/kg là hàng đẹp. Điều quan trọng khi làm long nhãn là bà con chủ động được, lúc nào làm long là bẻ nhãn, giá hợp lý thì làm chứ không như bán quả tươi, giá thế nào cũng bắt buộc phải bán” - ông Trần Văn Lộc nói.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Mai - đơn vị thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản ở Sơn La cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp chủ yếu thu mua nhãn để chế biến. Đầu ra của sản phẩm long nhãn hiện ổn định, với giá từ 125-135.000 đồng/kg.

Hiện đầu ra cho sản phẩm long nhãn ổn định, với giá từ 125.000 - 135.000 đồng/kg tùy loại
Hiện đầu ra cho sản phẩm long nhãn ổn định, với giá từ 125.000 - 135.000 đồng/kg tùy loại

“Chất lượng long nhãn đảm bảo sẽ xuất khẩu đi Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Hiện tại với tình hình thời tiết và dịch bệnh Covid-19, các lò sấy long nhãn của các gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp đã phát huy tác dụng, đem lại giá cả ổn định. Nhãn làm long không lo bị hỏng, không lo giá bị xuống thấp. Với giá long nhãn 130.000 đồng/kg bà con yên tâm sản xuất, thậm chí nếu mang nhãn tươi ra chợ hoặc siêu thị mà không đạt 9.000 - 10.000 đồng/kg bà con cũng mang làm long hết” - bà Nguyễn Bích Ngọc nói.

Ngày 28/7 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1818 về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng kho bảo quản, lò sấy, máy móc thiết bị để sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn, xoài, mận, chanh leo và các loại rau trên địa bàn.

Việc UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định này đúng vào thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch nhãn chính vụ có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân vận dụng phù hợp điều kiện thực tiễn, vừa giải quyết được công ăn việc làm và tạo điều kiện cho chế biến, bảo quản, tiêu thụ quả nhãn tươi trong điều kiện phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, qua công tác tuyên truyền, triển khai về chính sách quy định trong quyết định 1818 của UBND tỉnh Sơn La, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 hộ gia đình triển khai đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản; 6 hộ gia đình đăng ký triển khai lắp đặt container lạnh để bảo quản nông sản; 362 hộ gia đình xây dựng lò sấy long nhãn bằng lò hơi sạch.

“Đến thời điểm này, toàn huyện có 2.694 lò sấy long nhãn. Với số lượng lò sấy như vậy, sản lượng chế biến nhãn quả tươi hàng ngày vào khoảng 2.000 tấn, góp phần giảm áp lực trong việc tiêu thụ quả tươi, đảm bảo tất cả các sản phẩm nhãn không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đưa vào chế biến, tạo công ăn việc làm tại chỗ” - ông Nguyễn Văn Phương cho biết.

Hiện nay, tại vựa nhãn Sông Mã, giá nhãn loại 1 dao động từ 12.000 - 13.000 đồng/kg; long nhãn từ 125.000 -135.000 đồng/kg tùy loại. Theo các nhà vườn, hợp tác xã và các doanh nghiệp thu mua, với giá như hiện nay, người trồng nhãn vẫn có thu nhập. Tuy giá thành không cao như mọi năm, nhưng đã giảm được áp lực trong tiêu thụ quả nhãn tươi do đã hoàn toàn chủ động trong khâu chế biến./.

Theo VOV

Nguồn: https://congthuong.vn/chu-dong-che-bien-son-la-giam-ap-luc-tieu-thu-nhan-tuoi-162288.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin