|
  • :
  • :

Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Trước tình hình thời tiết, thủy văn dự báo diễn biến phức tạp trong mùa khô năm 2023-2024, nhất là xu thế nguồn nước xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có tỉnh Long An) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ...

38_52_img-8057.jpg (1200×800)Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại cống ngăn mặn Bà Hai Màng (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa)

Tín hiệu tích cực

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, qua rà soát, mùa khô năm 2023-2024, toàn tỉnh có gần 20.000ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện: Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An. Trong đó, có hơn 10.030ha lúa Đông Xuân 2023-2024; 20ha rau màu; 800ha chanh; gần 7.000ha thanh long và hơn 1.820ha cây trồng khác.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: “Để chủ động ứng phó trong mùa khô 2023-2024, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể.

Đến thời điểm này, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 tại các huyện phía Nam vẫn còn dồi dào, bảo đảm một vụ mùa thắng lợi”.

Để đạt kết quả trên, thời gian qua, Sở NN&PTNT triển khai rất nhiều giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn như chỉ đạo tổ chức theo dõi, đo đạc, kiểm tra tình hình chất lượng nước trên các tuyến sông và thông báo tình hình chất lượng nước định kỳ hàng tuần gửi đến các cơ quan chức năng, địa phương để nắm thông tin chủ động chỉ đạo, ứng phó kịp thời và có giải pháp tích trữ nước, điều tiết vận hành các cống ngăn mặn hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở tổ chức đoàn đi khảo sát tại các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An; kiểm tra các công trình thủy lợi thuộc hệ thống Nhựt Tảo - Tân Trụ (cống, trạm bơm điều tiết) nhằm bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong suốt mùa khô;...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (giữa) cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương kiểm tra tại trạm bơm Cây Gáo (huyện Thủ Thừa)

Xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa có gần 3.300ha cây trồng, trong đó chủ yếu là chanh, lúa, mai,... Hàng năm, xã thường xuyên gặp tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nếu không có phương án ứng phó từ sớm, từ xa. Do đó, ngay từ đầu mùa khô, UBND xã thường xuyên cập nhật tình hình hạn, xâm nhập mặn để thông báo cho người dân chủ động trong sản xuất.

Nhằm bảo đảm nước tưới cho gần 2ha mai vàng của gia đình, anh Nguyễn Minh Luân (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) thường xuyên theo dõi tình hình độ mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng; bơm tích trữ nước trong hệ thống ao, mương xung quanh nhà trước khi độ mặn vượt ngưỡng 1g/l. Ngoài ra, anh còn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, cắt tỉa các cành già,...

Anh Luân bộc bạch: “Chính quyền địa phương đầu tư hệ thống đê bao để ngăn mặn, trữ nước ngọt. Người dân cũng chủ động trữ nước ngọt trong các bồn chứa, các mương trong vườn,...

Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước trên các tuyến kênh, rạch nhằm có đủ nước tưới cho cây trồng trong mùa khô”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn cho biết: “Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, ngành Nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ sớm để tránh hạn, xâm nhập mặn ở cuối vụ; tập trung khơi thông kênh, rạch cũng như củng cố hệ thống đê, cống để bảo đảm khi độ mặn lên nhanh có thể ứng phó kịp thời, không để bị động. Nhờ đó, đến nay, chưa có diện tích nào bị ảnh hưởng do hạn, xâm nhập mặn”.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tiến độ xây dựng cống ngăn mặn tại kênh Cái Tôm (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa)

Năm nay, huyện Thạnh Hóa được Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 hỗ trợ xây dựng 7 cống ngăn mặn từ kênh Bà Hai Màng (xã Tân Đông) đến kênh Cái Tôm (xã Thủy Tây). Hiện các cống được triển khai xây dựng và sau khi hoàn thành sẽ giúp địa phương chủ động trong việc ngăn mặn, trữ nước ngọt.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, thực hiện chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh và UBND huyện, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương chủ động dự trữ nguồn nước và thường xuyên theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn để kịp thời thông báo đến nông dân. Toàn huyện hiện có trên 19.000ha lúa Đông Xuân 2023-2024 trong giai đoạn trổ chín, nguồn nước trên địa bàn huyện vẫn còn dồi dào, bảo đảm phục vụ sản xuất.

Tập trung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn ngay từ sớm, từ xa. Nhờ vậy, đến thời điểm này, hạn, xâm nhập mặn vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (đến tháng 4-2024), tình trạng hạn, xâm nhập mặn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng sẽ đến sớm hơn và nghiêm trọng. Độ mặn cao nhất trên sông Vàm Cỏ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 4/2024 tại Cầu Nổi ở mức 18-21g/l, tại trạm Tân An (sông Vàm Cỏ Tây) độ mặn dao động từ 7-10g/l, tại trạm Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) độ mặn dao động từ 10-12g/l; ranh mặn 4,0g/l có thể vào sâu từ 120-130km tính từ cửa sông Soài Rạp, xấp xỉ cùng kỳ mùa khô 2015-2016.

Hạn, xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ ngày 07 đến 13/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2024 (từ ngày 07 đến 13/3, từ ngày 24 đến 28/3, từ ngày 07 đến 12/4 và từ ngày 22 đến 28/4).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng hạn kéo dài và gió chướng mạnh, khả năng độ mặn sẽ xâm nhập sâu vào kênh, rạch.

Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các chi cục trực thuộc phối hợp các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn để có phương án điều tiết, bảo vệ sản xuất.

“Hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào các kênh, sông, rạch. Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1g/l đã vượt qua cầu Xáng Lớn, huyện Bến Lức; trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1g/l đã đến cống Bình Tâm, TP.Tân An.

Dự báo trong vài ngày tới, khả năng độ mặn tại các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng do ảnh hưởng của kỳ triều cường cuối tháng Giêng và đầu tháng 02 Âm lịch. Do đó, các địa phương chủ động theo dõi, thông tin kịp thời cho nông dân chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Với sự nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp, nhất là ý thức của nông dân, tin rằng, tỉnh tiếp tục thắng lợi kép trong mùa hạn, mặn năm 2023-2024, vì vừa “né” được hạn, xâm nhập mặn, vừa trúng mùa, trúng giá./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-chong-han-xam-nhap-man-a172584.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin