|
  • :
  • :

Chủ động sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022

UBND huyện Vĩnh Hưng chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung thực hiện nhiều giải giáp để bảo đảm sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022 đạt thắng lợi.

Nông dân chủ động xuống giống lúa Hè Thu 2022

Nông dân chủ động xuống giống  

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn xuống giống được hơn 8.500ha lúa HT 2022, đạt 29,7% kế hoạch toàn vụ; tập trung nhiều ở các xã: Vĩnh Trị (1.900ha), Vĩnh Bình (1.800ha), Thái Trị (1.500ha), Vĩnh Thuận (1.400ha), Thái Bình Trung (9.00ha), Khánh Hưng (500ha). Hiện trà lúa trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại xã Vĩnh Thuận, tình hình gieo sạ vụ HT đạt theo kế hoạch đề ra. Anh Nguyễn Hồng Thái (ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận) cho biết: “Để sản xuất an toàn 2ha lúa, gia đình tôi cùng với các hộ dân khác trong khu vực chủ động xuống giống theo lịch khuyến cáo của chính quyền địa phương. Hiện trà lúa được hơn 7 ngày tuổi, chưa phát hiện sâu, bệnh gây hại, lúa phát triển tốt”.

Còn ông Trần Văn Tuấn (xã Vĩnh Trị) chia sẻ: “Đến nay, hơn 5ha lúa của gia đình đã xuống giống dứt điểm theo lịch cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Hy vọng vụ HT này sản xuất đạt kết quả cao để gia đình có lợi nhuận nhiều”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm thông tin: “Kế hoạch vụ HT 2022, toàn huyện gieo sạ 28.300ha. Ngành hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế cỏ dại, lúa chét, cày vùi rơm rạ tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan; san phẳng mặt ruộng để hạn chế cỏ dại, ốc bươu vàng. Đồng thời, nông dân cần thực hiện nghiêm túc việc gieo sạ tập trung từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy theo bản đồ quy hoạch vùng gieo sạ của huyện, xã, không gieo sạ tự phát, phân tán”.

Để bảo đảm thắng lợi

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo cho biết: Trước tình hình thời tiết và sinh vật gây hại vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tác động xấu đến sản xuất (nhất là chuột, sâu năn, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá,...), UBND huyện chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo và Bảo vệ sản xuất huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tập trung củng cố, duy trì hoạt động, thường xuyên bám sát địa bàn và đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn, triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa thông qua các hình thức: Sử dụng NPK, tránh bón thừa đạm, sử dụng phân bón tiết kiệm, nên giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua, trong vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình hạn, xâm nhập mặn, phèn.

Cụ thể, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa: Nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: ST24, ST25, RVT, VD 20, nếp; nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao và thơm nhẹ: OM 4900, OM 7347, OM 18, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn, mặn khá, tốt: OM 5451, OM 6976, OM 6677;...

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình nguồn nước, chất lượng nước phục vụ sản xuất, kiểm tra tu sửa, gia cố bờ thửa để giữ nước, nạo vét kênh, mương thông thoáng, dẫn nước an toàn, hiệu quả và giảm thất thoát; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Đề án ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện; khuyến cáo phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao, hữu cơ để nâng cao giá trị sản xuất.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo ông Huỳnh Văn Lâm, hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, các đối tượng sâu, bệnh phát sinh và gây hại như ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, đặc biệt là sâu năn, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Vì vậy, nông dân cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật quản lý ngay từ đầu vụ, tạo cho cây lúa khỏe để tăng sức chống chịu khi gặp điều kiện bất lợi; không chủ quan, lơ là trong phòng trừ sâu năn, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá; không nên phun thuốc phổ rộng ngay từ đầu vụ để tránh bộc phát sâu, bệnh về sau, khi phun thuốc cần thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng";.../.

Văn Đát

Nguồn: https://baolongan.vn/chu-dong-san-xuat-vu-lua-he-thu-2022-a134201.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin