Chưa xứng tiềm năng
Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực, cũng là một trong 9 loại cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Bình Thuận được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích lên đến 33.750ha, trong đó 11.936ha đạt chứng nhận VietGAP, 517ha đạt GlobalGAP, tổng sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm.
Bình Thuận phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt từ 50-60 triệu USD/năm |
Thời gian qua, cây thanh long mang lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 30.000 hộ nông dân trong tỉnh này, giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lao động trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng thanh long. Cùng với đó, việc phát triển cây thanh long đã góp phần quan trọng giúp tỉnh Bình Thuận thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá, việc sản xuất thanh long an toàn theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP phát triển chậm, còn mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất. Bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa được ổn định, giá cả thu mua thanh long VietGAP và ngoài VietGAP chưa tạo ra sự khác biệt nên chưa khuyến khích mạnh mẽ người dân phát triển thanh long an toàn.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch của tỉnh Bình Thuận, định hướng diện tích thanh long đến 2025 là 30.000ha nhưng hiện đã là 33.482ha, vượt 3.482ha, tạo ra áp lực lớn cho khâu tiêu thụ.
Ngoài ra, quy mô sản xuất của các tổ, nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long còn nhỏ lẻ, hầu hết chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa đủ tiềm lực và năng lực để thu mua và xuất khẩu thanh long.
Việc mua bán thanh long chủ yếu thông qua thương lái, người sản xuất không quyết định được giá cả. Công nghiệp chế biến thanh long còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, chưa hỗ trợ hữu hiệu cho việc tiêu thụ thanh long quả tươi, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thanh long như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy, kẹo thanh long... quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao. Bao bì, mẫu mã còn đơn giản, thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên chưa hoạt động hết công suất thường xuyên.
Về thị trường tiêu thụ thanh long, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là đã qua chế biến như thanh long sấy, rượu vang thanh long... Đối với tỷ trọng tiêu thụ thanh long trên thị trường nội địa hiện chỉ chiếm 15%, chưa đạt mục tiêu đề ra từ 22 - 25%.
Còn về thị trường xuất khẩu, hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu được chính ngạch vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á... song vẫn còn khó khăn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm.
Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu bán thanh long cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu hoặc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, buôn bán biên mậu nên không thống kê được kim ngạch.
“Hiện thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc trên 500.000 tấn/năm nhưng với phương thức chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch và buôn bán biên mậu qua các cửa khẩu đường bộ”, ông Tài chia sẻ.
Tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long sang các nước |
Đáng chú ý, hiện Trung Quốc có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam... và có mùa thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 đến tháng 9. Đây cũng là thời điểm thu hoạch của các loại trái cây khác của Trung Quốc như cam, quýt, táo, lê, nho....
"Vào thời gian này, thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường chậm, giá có xu hướng giảm. Trong tương lai, việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn khi các diện tích thanh long trồng mới của Trung Quốc cho thu hoạch", ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận.
Nâng xuất khẩu chính ngạch lên 50 - 60 triệu USD/năm
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký ban hành kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tỉnh này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, song vẫn chú trọng củng cố và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt 50 - 60 triệu USD/năm và nâng dần tỉ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22 - 25% vào năm 2025.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài để phát triển và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho thanh long Bình Thuận. Cụ thể, tổ chức các đoàn khảo sát, giao thương để tìm hiểu, mở thêm thị trường mới, tiềm năng cho việc xuất khẩu thanh long nhằm hạn chế rủi ro và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Hỗ trợ Hiệp hội Thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm chuyên ngành về trái cây, rau quả có uy tín được tổ chức hàng năm trong khu vực và trên thế giới để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác bán hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan)... để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.
Đối với thị trường trong nước, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm; trọng tâm là thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường TP. HCM và các tỉnh Duyên hải miền Trung -Tây Nguyên...
Cùng với giải phép trên, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh thanh long “sạch”, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ thanh long để phát triển bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị cho thanh long Bình Thuận, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, trong khu vực và tạo thị phần ổn định trên thị trường.
Theo Nông nghiệp VN