Chuỗi tăng trần kéo dài
Thông tin về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào ngày 20/7/2023, cộng với hiện tượng EI Nino diễn ra trên quy mô rộng đã thúc đẩy giá gạo tăng cao, giúp nhà đầu tư kỳ vọng về nhóm doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi.
Thống kê từ tháng 10/2022 đến đầu tháng 8/2023, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 26,9%, từ 431 USD/tấn lên 547 USD/tấn và tiếp tục xu hướng tăng, lũy kế từ tháng 12/2021 đến nay đã tăng 36,8%. Tuy nhiên, kỳ vọng có vẻ đang được đẩy lên quá cao khi giá cổ phiếu các công ty xuất khẩu gạo có dấu hiệu tăng thẳng đứng với chuỗi tăng trần kéo dài, tạo ra hiện tượng đáng lưu ý đối với nhà đầu tư.
Cụ thể, từ ngày 20/7 đến 8/8, cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã tăng 12 phiên trần liên tiếp, tức tăng 126,1%, từ 5.970 đồng lên 13.500 đồng/cổ phiếu. Từ ngày 21/7 đến 8/8, cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II) đã tăng 373,4%, từ 7.900 đồng lên 37.400 đồng/cổ phiếu (chuỗi 9/10 phiên tăng trần).
Từ ngày 20/7 đến 8/8, cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã tăng 12 phiên trần liên tiếp, tức tăng 126,1%, từ 5.970 đồng lên 13.500 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II) tăng 373,4%, từ 7.900 đồng lên 37.400 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu liên quan cũng bật tăng, theo thống kê từ ngày 20/7 đến 8/8. Trong đó, cổ phiếu TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng 26,7%, từ 17.600 đồng lên 22.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu AFX của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang tăng 9,6%, từ 12.500 đồng lên 13.700 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu NAF của Công ty cổ phần Nafoods Group tăng 10,1%, từ 13.900 đồng lên 15.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tăng 15,2%, từ 34.300 đồng lên 39.500 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu PAN của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN tăng 11,3%, từ 21.200 đồng lên 23.600 đồng/cổ phiếu.
Có dấu hiệu đầu cơ, đẩy giá?
Thực tế, ngoại trừ 5 cổ phiếu AFX, TAR, LTG, PAN và NAF bật tăng theo kỳ vọng hưởng lợi từ giá lương thực tăng cao, nhưng với mức tăng vừa phải, cổ phiếu của Angimex và Vinafood II lại có dấu hiệu đầu cơ, đẩy giá, với chuỗi tăng nóng chưa từng có, dù hoạt động kinh doanh gặp khó khăn kéo dài, đối mặt với thua lỗ liên tục.
Tại Angimex, trong nửa đầu năm 2023, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 53,72 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,22 tỷ đồng, lũy kế tới ngày 30/6/2023 ghi nhận lỗ 44,02 tỷ đồng (đầu năm lãi lũy kế 22,9 tỷ đồng) và bằng 24,2% vốn điều lệ. Như vậy, tại thời điểm cuối quý II/2023, Angimex đã chính thức xóa bỏ toàn bộ lãi tích lũy nhiều năm.
Một điểm đáng lưu ý khác, tính tới ngày 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Angimex lên tới 1.150,89 tỷ đồng, bằng 364,5% vốn chủ sở hữu (đầu năm bằng 313,8% vốn chủ sở hữu). Trong đó, đáng chú ý là tổng dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 559,45 tỷ đồng. Được biết, dư nợ trái phiếu do phát hai mã AGMH2123001 (mệnh giá 350 tỷ đồng) và trái phiếu mã AGMH2223001 (mệnh giá 300 tỷ đồng, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng), cả hai đều phát sinh việc chậm thanh toán lãi đáo hạn.
Tương tự, Vinafood II liên tục kinh doanh thua lỗ từ năm 2013 đến 2022. Trong nửa đầu năm 2023, Công ty tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là lỗ 6,48 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7,1 tỷ đồng). Như vậy, tính tới ngày 30/6/2023, tổng lỗ lũy kế của Vinafood II lên tới 2.805,24 tỷ đồng, bằng 56,1% vốn điều lệ.
Thêm nữa, tính tới cuối quý II/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vinafood II lên tới 4.364,5 tỷ đồng (đầu năm 2.560,3 tỷ đồng), bằng 176% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 104,3% vốn chủ sở hữu). Có thể thấy, với nợ vay lớn, kinh doanh thua lỗ nhiều năm là bài toán khó giải của Vinafood II. Giá gạo tăng cao không đồng nghĩa với kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc trong phần còn lại của năm 2023.
Kết quả kinh doanh sẽ có độ trễ
Nói về tình hình kinh doanh sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, doanh nghiệp có nhận đơn hàng tăng đột biến, nhưng đang thực hiện xuất khẩu các hợp đồng đã có để đảm bảo cam kết về sản lượng, đáp ứng tiêu chí chất lượng cho các đối tác.
Tại Tập đoàn PAN, với mặt hàng gạo, đơn vị này không phải doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng số lượng, mà chỉ tập trung vào sản phẩm gạo đóng túi, có thương hiệu riêng. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ đơn hàng của Tập đoàn, nên nhìn chung, không có đột biến gì về đơn hàng.
Có thể thấy, mặc dù có các đơn hàng xuất khẩu tăng đột biến, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam vẫn ưu tiên cho các đơn hàng ký trước đó để giữ quan hệ với đối tác, nên kết quả kinh doanh sẽ có độ trễ nhất định so với diễn biến giá gạo.