|
  • :
  • :

Đẩy mạnh nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số

Chiều ngày 1/12, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và vẫn duy trì được sự phát triển mạnh mẽ.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì Hội nghị

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với nhiều biến đổi vừa tạo ra những thuận lợi mới, cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới cho cả ba vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta. Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước và được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững;…

Để góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng này, ngày 26/3/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 02-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, chính sách phát triển mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình mới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn- khẳng định, nông nghiệp là một ngành thiết yếu, thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong hội nhập về thương mại, môi trường...; sự chuyển dịch lao động về khu vực nông thôn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp nông thôn tiến hành tổng kết, tham mưu xây dựng nghị quyết với cách tiếp cận mới, phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh cho biết, ý kiến nhiều đại biểu tại Hội nghị đã làm rõ hơn sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước những thách thức rất lớn trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh, hội nhập quốc tế và những khó khăn tồn tại trong nội tại. Ngoài ra, còn những vấn đề vướng mắc trong quản lý nhà nước; hạ tầng cho phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao; cơ chế chính sách tạo đột phá trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp cần được khai thông, đổi mới; tổ chức sản xuất còn rất chậm, chưa theo kịp tình hình và nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế với yêu cầu chất lượng sản phẩm cạnh tranh cao, chưa thích ứng cao với tác động của biến đổi khí hậu… sẽ tác động tới việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra trong giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045.Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; một số những vướng mắc tại một số địa phương; đồng thời nhất trí cần cụ thể hóa, làm rõ, bổ sung, phát triển các nội hàm phù hợp trong bối cảnh mới được nêu trong các văn kiện Đại hội XIII về quan điểm, chủ trương: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nội dung mới trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những quan điểm mới về chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới; những nhiệm vụ từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập và về hưởng thụ dịch vụ, văn hoá, giáo dục, xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội…

Ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết và công tác tổ chức tổng kết, xây dựng Báo cáo tổng kết kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu đã đóng góp tại Hội nghị; đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn căn cứ các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục bổ sung, tham gia xây dựng Báo cáo Tổng kết; yêu cầu Tổ Biên tập, Ban Chỉ đạo tiếp thu cao nhất các ý kiến đóng góp tại Hội nghị để xây dựng Báo cáo tổng kết đảm bảo chất lượng trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời kỳ mới.

Nguồn: https://congthuong.vn/day-manh-nong-nghiep-thong-minh-nong-nghiep-so-168429.html