|
  • :
  • :

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Đầu tư 40.000 tỷ đồng, nông dân được vay vốn không cần thế chấp

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL. Ngoài việc nông dân được vay vốn ngân hàng không thế chấp, bà con còn được hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác, giúp thu nhập tăng lên…

Ước tính đầu tư 40.000 tỷ đồng

Theo dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL của Bộ NNPTNT, ước tính sẽ có 40.000 tỷ đồng được đầu tư vào đây. Trong đó, sẽ có khoảng 25.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn khác (xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nguồn tài trợ, viện trợ,...), còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng là vốn người dân.

Trong đó, trong giai đoạn từ 2023 - 2025 sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng, số vốn còn lại sẽ đầu tư vào giai đoạn 2025-2030.

Riêng vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và tập huấn cho hợp tác xã và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Nông dân được vay vốn ngân hàng không cần thế chấp - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đề án, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quản lý chặt chẽ vùng trồng lúa, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách Trung ương đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, xây dựng chương trình, dự án địa phương và bố trí ngân sách để triển khai thực hiện đề án.

Nông dân tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng), được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa.

Hợp tác xã tham gia liên kết tham gia vào đề án được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng, được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo.

Về phía doanh nghiệp, nếu tham gia sẽ được vay ngân hàng đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến, được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn carbon thấp...

Theo kế hoạch được đưa ra, đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 500.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân của người dân đạt trên 35%.

Đến năm 2030, ĐBSCL sẽ đạt 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân của người đạt trên 35%, lợi nhuận bình quân của người dân đạt trên 40%.

Cũng đến năm 2030, người dân sẽ giảm lượng lúa giống xuống chỉ còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới trên 30%, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 7%, giảm phát thải khí nhà kính trên 20%...

Lúc này, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn (chiếm 30% sản lượng gạo trong vùng đề án).

Điều kiện tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Bộ NNPTNT vừa gửi dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cho UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đồng thời đề nghị UBND các địa phương gửi thông tin đăng ký thực hiện thông qua Cục Trồng trọt. Theo đó, nơi sản xuất lúa chất lượng cao phải là vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa ổn định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và vùng đặc thù một vụ lúa ổn định có luân canh với thủy sản hoặc cây trồng cạn.

Diện tích thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, an toàn, chủ động hoàn toàn về thủy lợi bao gồm cả việc tưới và tiêu thoát nước. Vị trí địa lý thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất và thu mua và có hạ tầng giao thông tốt phục vụ được cho công tác cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa từ làm đất, đến thu hoạch, bảo quản, tồn trữ, vận chuyển. Đồng thời phải có tối thiểu một hình thức liên kết với doanh nghiệp.

Hợp tác xã đăng ký tham gia phải có đất chuyên trồng lúa nói trên, nông dân trong hợp tác xã đã được đào tạo qua các chương trình khuyến nông cơ bản. Ngoài ra, hợp tác xã phải có bộ máy quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dài hạn từ 2 năm trở lên với hợp tác xã và phải đảm bảo sấy toàn bộ lượng lúa thu hoạch trong vùng liên kết.

Doanh nghiệp phải có năng lực để tổ chức và giám sát quá trình sản xuất ở vùng hợp đồng liên kết. Đồng thời được quyền liên kết với tư nhân thu mua lúa và các doanh nghiệp khác để vận hành chuỗi giá trị hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia. 

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-dau-tu-40000-ty-dong-20230202175554955.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin