Nhiều thuận lợi
Theo ghi nhận tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, mực nước lũ năm nay tuy không quá cao nhưng vẫn bảo đảm lượng phù sa bồi đắp. Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân đang tất bật các khâu chuẩn bị, chờ nước lũ rút sẽ gieo sạ ngay. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hưng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) - Phạm Văn Nghĩa cho biết: “Dự kiến, HTX gieo sạ vụ ĐX 2023-2024 từ đầu tháng 12/2023. Vụ này, HTX sản xuất khoảng 1.400ha lúa, trong đó, có 50ha sản xuất theo hướng công nghệ cao với giống ST25 và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường. Với những tín hiệu tích cực như giá lúa tăng, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ổn định, chúng tôi đang rất phấn khởi để bắt tay vào sản xuất vụ ĐX năm nay”.
Nông dân cày xới đất, chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân 2023-2024
Còn tại huyện Tân Thạnh, địa phương gieo sạ lúa ĐX sớm nhiều nhất tỉnh, hiện các trà lúa ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đòng trổ. Một số loại sâu, bệnh xuất hiện với mật độ thấp, nông dân đang tập trung chăm sóc.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Trần Thị Kham Ly thông tin: “Toàn huyện đã gieo sạ trên 26.500ha lúa vụ ĐX 2023-2024. Ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp các địa phương tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thông minh, lúa phát thải thấp và ghi chép nhật ký canh tác,...”.
Ông Nguyễn Văn Tùng (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Tôi canh tác 2ha lúa OM18, hiện được hơn 40 ngày tuổi. Một số loại bệnh như đạo ôn lá, chuột,... có gây hại nhưng không nhiều. Hy vọng giá lúa vào cuối vụ sẽ cao như hiện nay để nông dân có lợi nhuận cao”.
Nông dân chăm sóc lúa Đông Xuân 2023-2024
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa ĐX 2023-2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo sạ 224.500ha, năng suất ước đạt 65 tạ/ha và sản lượng ước đạt khoảng 1,46 triệu tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ 61.514ha lúa.
Sẵn sàng ứng phó hạn, mặn
Theo dự báo của các trung tâm khí hậu trên thế giới và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024 với xác suất trên 95%. Do đó, ước tính tổng lượng mưa tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 11/2023 đến tháng 02/2024 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa trong thời gian này.
Từ nhận định trên, dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023-2024 tại Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường. Tại Long An, mùa mưa năm 2023 khả năng kết thúc sớm hơn TBNN từ 5-10 ngày. Tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn TBNN trên hầu khắp khu vực tỉnh, khả năng rất ít mưa trái mùa trong mùa khô năm 2023-2024. Nguy cơ cao thiếu nước ngọt trong mùa khô và xâm nhập mặn vào sâu nội đồng trong mùa khô 2023-2024.
Ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng vận hành các cống đầu mối, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất
Thông tin từ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, qua đánh giá thực trạng diễn biến tình hình hạn, xâm nhập mặn 3 năm gần đây và hiện trạng công tác quản lý vận hành khai thác hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp nhận định tình hình khí hậu mùa khô năm 2023-2024 thì trên địa bàn tỉnh, khu vực có khả năng bị hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 gồm các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An.
Ghi nhận tại các huyện phía Nam của tỉnh, thời điểm này, nguồn nước trên các kênh, rạch nội đồng còn khá dồi dào. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, vụ lúa ĐX 2023-2024, toàn huyện xuống giống trên 4.500ha. Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các nhận định về khí tượng - thủy văn của cơ quan chuyên môn, huyện khuyến cáo người dân hoàn thành gieo sạ lúa ĐX trong tháng 11/2023, hạn chế thấp nhất diện tích gieo sạ lúa trong tháng 12. Ngoài ra, huyện cũng triển khai những giải pháp phi công trình và công trình để bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ ĐX 2023-2024.
Chủ động nhiều giải pháp
Trước dự báo về tình hình hạn, mặn đến sớm và diễn ra gay gắt, để bảo đảm vụ lúa ĐX đạt thắng lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ.
Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng khung lịch thời vụ cho từng vùng. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 3 đợt xuống giống cho vụ lúa ĐX, gồm: Đợt 1 từ ngày 15 đến 25/10/2023 (nhằm ngày 01 đến 11/9 Âm lịch) tại vùng gò biên giới các huyện phía Bắc và một số xã thuộc các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và Tân Trụ có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ); đợt 2 từ ngày 13 đến 25/11/2023 (nhằm ngày 01 đến 13/10 Âm lịch) tại vùng đất trung bình, vùng có đê bao, các xã chủ động được nguồn nước ở các huyện phía Nam; đợt 3 từ ngày 10 đến 25/12/2023 (nhằm ngày 28/10 đến ngày 13/11 Âm lịch) các huyện vùng trũng thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, những địa phương đê bao chưa khép kín.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh khảo sát độ mặn nguồn nước tại huyện Cần Đước
Đối với các huyện phía Bắc cần đẩy nhanh tiến độ gieo sạ, tập trung trong tháng 10, dứt điểm vụ lúa ĐX 2023-2024 trong tháng 12/2023. Đối với các huyện phía Nam của tỉnh cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn nên chuyển canh tác sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Để bảo đảm sản xuất vụ lúa ĐX 2023-2024 đạt thắng lợi, tỉnh khuyến cáo các địa phương căn cứ thời gian, mật độ rầy nâu, sâu năn vào đèn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng, chỉ đạo gieo sạ vụ lúa ĐX 2023-2024 thích ứng linh hoạt hợp lý với diễn biến nguồn nước.
Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân ưu tiên gieo sạ các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Một số nhóm giống lúa nên được ưu tiên là các nhóm giống lúa thơm như ST24, ST25, RVT, VD20, Jasmine85,... nhóm giống lúa chất lượng cao và thơm nhẹ như OM5451, OM4900, OM7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18, Hương Châu 6,...; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn khá - tốt: OM5451, Đài thơm 8, OM6976, OM576,... Đặc biệt, nhóm giống nếp như IR4625, OM84,... đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu giống lúa của tỉnh. Do đó, để tiêu thụ ổn định, các địa phương khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng nếp, duy trì tỷ lệ gieo sạ giống nếp khoảng 35%.
“Ngành Nông nghiệp các địa phương cần tăng cường hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng, trừ kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây lúa cũng như nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như Cánh đồng lớn; 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái; Quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá;...
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động có giải pháp bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại; chủ động bố trí nguồn lực để nạo vét kênh, mương, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều cường, mặn kịp thời, hiệu quả” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
Bùi Tùng