|
  • :
  • :

Dịch cúm gia cầm lan rộng ở châu Âu và châu Á

Một số đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng ở châu Âu và châu Á đã được báo cáo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) trong những ngày gần đây, là dấu hiệu cho thấy virus cúm gia cầm đang lây lan nhanh chóng trở lại.

Dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á. Ảnh: AFP/Vietnam+

Một số đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng ở châu Âu và châu Á đã được báo cáo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) trong những ngày gần đây, là dấu hiệu cho thấy virus cúm gia cầm đang lây lan nhanh chóng trở lại.

Sự lây lan của dịch cúm gia cầm độc lực cao, thường được gọi là cúm gia cầm, đã đặt ngành chăn nuôi gia cầm vào tình trạng báo động sau khi các đợt bùng phát trước đó dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm.

Cúm gia cầm cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà dịch tễ học vì virus có thể truyền sang người. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận 21 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người trong năm nay, nhiều hơn cả năm 2020.

Hôm qua (15/11), OIE cho biết Hàn Quốc đã bùng phát dịch tại một trang trại với khoảng 770.000 con gia cầm ở Chungcheongbuk-do, theo một báo cáo từ các nhà chức trách Hàn Quốc. Tất cả số gia cầm trên đều bị tiêu huỷ.

Cũng tại châu Á, Nhật Bản đã ghi nhận đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đầu tiên của mùa đông năm 2021, tại một trang trại gia cầm ở phía đông bắc của đất nước, sau một thông báo vào tuần trước của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Kiểu huyết thanh trong đợt bùng phát này là H5N8.

Trong khi đó tại châu Âu, Na Uy đã báo cáo một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở vùng Rogaland trên một đàn 7.000 con gia cầm.

Cúm gia cầm lưu hành tự nhiên giữa các loài chim hoang dã, và khi chúng di cư đến Vương quốc Anh từ lục địa châu Âu vào mùa đông, bệnh có thể lây sang gia cầm và các loài chim nuôi nhốt khác.

Từ hôm qua, Chính phủ Bỉ đã đặt nước này vào tình trạng có nguy cơ gia tăng đối với bệnh cúm gia cầm, yêu cầu gia cầm phải được nuôi trong nhà, sau khi một biến thể độc lực cao của cúm gia cầm được xác định trên một con ngỗng hoang dã ở Schilde, một thị trấn gần Antwerp. Cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ AFSCA cho biết đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ở chim hoang dã kể từ ngày đầu tháng 3 đến nay, cho thấy sự lưu hành của virus ở chim hoang dã đã hoạt động trở lại.

Tại những nơi khác ở châu Âu, các nhà chức trách Hà Lan hồi tháng 10 đã ra lệnh cho các trang trại chăn nuôi thương mại phải giữ tất cả các đàn gia súc trong nhà sau khi dịch cúm gia cầm được báo cáo tại một trang trại. Đầu tháng 11, Pháp cũng đã gia hạn yêu cầu nuôi nhốt đàn gia cầm trong nhà, trong khi Đức cũng đã ghi nhận sự bùng phát của một số ổ dịch cúm gia cầm.

Vương quốc Anh đã tuyên bố tình trạng phòng chống dịch cúm gia cầm trên khắp cả nước từ hồi đầu tháng, về mặt pháp lý sẽ yêu cầu tất cả những người nuôi gia cầm phải tuân theo các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, sau khi một đàn gia cầm bị tiêu hủy gần Dundee ở Scotland để đối phó với dịch cúm gia cầm.

Cúm gia cầm không lây truyền qua việc ăn các sản phẩm được chế biến từ gia cầm. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến con người trong một số trường hợp hiếm gặp nếu con người chạm vào gia cầm bị nhiễm bệnh, phân hoặc chất độn chuồng của chúng, hoặc trong khi chế biến gia cầm bị nhiễm bệnh.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & The Guardian)

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/dich-cum-gia-cam-lan-rong-o-chau-au-va-chau-a-a106801.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin