Tiêu tủy lợn chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) là địa phương vừa được công bố dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn xã có 6 thôn xuất hiện dịch, số lượng lợn bị nhiễm dịch phải tiêu hủy 89 con, tổng trọng lượng gần 7,5 tấn. Diễn Nguyên là một trong những địa phương đã từng xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi trong những năm trước, nay tái dịch trở lại.
Hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng
Trên địa bàn huyện Con Cuông, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đang tái phát tại một số xã. Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát tại 2 xã Chi Khê và Môn Sơn, số lợn tiêu hủy hơn 1 tấn lợn hơi.
"Vì dịch tái phát tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên huyện chỉ đạo các xã tập trung khoanh vùng dập dịch trong diện hẹp, nên 4 ngày nay trên địa bàn huyện không phát sinh thêm lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi"- ông Lô Văn Lý cho hay.
Khi trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương cần triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo quy định. Ảnh: Xuân Hoàng
"Thời điểm thời tiết đang chuyển mùa, mưa nhiều, dễ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do vậy, người chăn nuôi cần mua con giống rõ nguồn gốc, không có dịch bệnh, không nên mua con giống của những người đi bán rong; tiêm phòng các bệnh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tiến hành khử trùng tiêu độc, đặc biệt là rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh; cho lợn ăn thức ăn đã nấu chín, đặc biệt bà con không lấy các loại rau trôi ngoài sông suối, tránh lây lan dịch bệnh từ động vật chết, hoặc chất thải tại các lò mổ thải ra môi trường" - ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo.