Tại phiên thảo luận tổ, ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn về định hướng phát triển nông nghiệp vùng phụ cận thành phố Vinh; việc hỗ trợ tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, vì việc đánh bắt hải sản hiện gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; việc xây dựng các lò giết mổ gia súc, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản,...
Những vấn đề đại biểu quan tâm đã được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ giải trình làm rõ tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (8/12).
Về định hướng phát triển nông nghiệp vùng phụ cận thành phố Vinh, ông Đệ cho biết: Vùng phụ cận thành phố Vinh gồm: Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu, trong tiếp cận của quy hoạch phát triển nông nghiệp đây là vùng chế biến tiêu thụ, sản xuất nguyên liệu rau màu và 1 số sản phẩm nông nghiệp có giá trị.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án sản xuất nguồn lực, trong đó xác định 7 sản phẩm nguồn lực trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hiện nay, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh tích hợp quy hoạch phát triển nông nghiệp trong quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050. Quy định đã định hướng rất rõ các vùng phụ cận thành phố Vinh trong sản xuất nông nghiệp rất rõ”, ông Đệ nói.
Liên quan đến hỗ trợ tàu vỏ thép chậm, ông Đệ cho biết ở Nghệ An có 3 tàu vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ với số tiền là 24 tỷ đồng, thủ tục này thuộc cấp Bộ và cấp Chính phủ giải quyết.
Thời gian qua Sở làm việc với Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính. Hiện nay các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư trình Chính phủ và Chính phủ đang chỉ đạo vấn đề này. Khi nào Bộ Tài chính chuyển trả cho tỉnh, khi có tiền tỉnh sẽ trả cho bà con.
Về xây dựng các lò giết mổ gia súc gia cầm, ông Đệ cho biết trong những năm qua việc thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ hầu như không thực hiện được.
Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc đầu tư lò giết mổ gia súc gia cầm đòi hỏi diện tích lớn, mặt bằng đất đai rất khó khăn. Thứ hai, việc đầu tư đòi hỏi kinh phí lớn nên đối tượng đầu tư vào lĩnh vực này ít.
Về xuất hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc đầu tư các lò giết mổ gia súc gia cầm cần kinh phí lớn nhưng việc hỗ trợ thấp nên tỉnh không đưa vào chính sách hỗ trợ mà lập dự án thực hiện hỗ trợ theo Đề án phát triển chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với nội dung hỗ trợ cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay đã có một số chính sách hỗ trợ, Sở đang xây dựng đề án đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, trong đề án định có giải pháp định hướng phát triển vùng thủy sản tập trung trong thời gian tới.