Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, cụ thể như: Tổ chức hội nghị, lồng ghép vào các buổi họp dân; kết hợp với hoạt động chiêu sinh, tuyển sinh mở lớp; cấp phát tờ rơi thông tin về đào tạo nghề, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; truyền thông trên hệ thống loa phát thanh của huyện, xã...
Cùng với đó, hàng năm huyện tổ chức khảo sát thực trạng nguồn lao động của địa phương và nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trong độ tuổi lao động tại các xã, thị trấn để có cơ sở dữ liệu quản lý và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lựa chọn các ngành nghề, tổ chức đào tạo nghề phù hợp theo nguyện vọng của người lao động. Mặt khác, huyện cũng thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu lao động trên thị trường của các doanh nghiệp để cung cấp cho người lao động, giúp họ có định hướng tham gia học nghề và tìm kiếm việc làm sau đào tạo, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tiến hành đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, công tác đào tạo nghề cho lao động thôn trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, số lao động tham gia học nghề đạt cao so với kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ hơn 31% vào năm 2015 lên trên 38% vào cuối năm 2023. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã mở gần 100 lớp đào tạo nghề cho trên 3.000 lao động nông thôn trên địa bàn, chủ yếu là các lớp nghề nông nghiệp.
Đáng chú ý, chất lượng lao động đã có bước cải thiện đáng kể, đa số lao động sau khi được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề đã áp dụng có hiệu quả vào việc phát triển sản xuất của gia đình, nhiều hộ đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả cho nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, huyện tích cực phối hợp, liên kết với một số công ty, doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, sau khi đào tạo người lao động được phía công ty, doanh nghiệp nhận vào làm việc.
Cũng ruộng đồng ấy, nhưng khi người dân được đào tạo nghề, họ đã biết áp dụng khoa học vào sản xuất. Trên cùng một diện tích đất, nhưng năng suất, chất lượng cây trồng cao hơn hẳn. Từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động. Cái được lớn nhất của đào tạo nghề là người lao động ngâng cao ý thức trong sản xuất, phòng chống các loại dịch bệnh thường gặp trong trồng trọt, chăn nuôi.
Trước đây nhiều hộ gia đình chăn nuôi vẫn theo phong tục, tập quán cũ. Gia súc, gia cầm thả rông, vì thế mỗi khi gia súc, gia cầm của một nhà bị dịch bệnh thì cả bản bị theo. Ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, nhiều nhà mất trắng gia sản chỉ sau vài ngày khi đàn trâu, bò, lợn bị dịch bệnh chết. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người lao động đã biết cách chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Họ đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho gia súc vào mùa Đông… Tư duy, nhận thức của người lao động đã thay đổi rất nhiều sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề.
Số lao động được qua đào tạo của huyện Điện Biên Đông tăng từng năm. Đây là tín hiệu vui cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo của một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất cả nước.