|
  • :
  • :

Giá công hái cà phê tăng nhưng khó tìm người

Năm nay, người trồng cà phê trúng mùa, được giá. Tuy nhiên, người dân lại khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công thu hái cà phê dù giá thuê tăng khá cao.

Theo ông Phạm Văn Dũng, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), gia đình có 2,7 ha cà phê đang thu hoạch. Năm ngoái, khi thu hoạch cà phê, gia đình ông khoán công với mức giá 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Còn năm nay, công hái đã tăng lên thành 1.400 đồng/kg quả tươi.
 
Lý giải điều này, ông Dũng cho rằng, do ảnh  hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên người lao động ở các vùng như Nam Trung Bộ, miền Tây, miền Bắc... hạn chế di chuyển, nên khan hiếm lao động.
 
Cùng với đó, giá xăng dầu tăng kỷ lục trong vòng 7 năm qua đã kéo theo nhiều loại mặt hàng tăng giá. Vì thế, giá thị trường lao động tăng là điều hiển nhiên.
 
“Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm được công hái cà phê nếu giá có tăng lên chút đỉnh, khoảng 20-30% so với năm trước, cũng chấp nhận được”, ông Dũng cho biết thêm.
 
Mức giá công hái cà phê phổ biến khoảng 1.200-1.400 đồng/kg cà phê tươi
Mức giá công hái cà phê phổ biến khoảng 1.200-1.400 đồng/kg cà phê tươi
 
Anh Đàm Xuân Thanh, thôn 9 B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cho biết, gia đình hiện có trên 4 ha cà phê, năm nay năng suất đạt mức khá cao, khoảng 3 tấn cà phê nhân/ha.
 
Cà phê được mùa, giá tăng, nên anh cũng sẵn sàng trả công thu hái cao hơn năm ngoái. Cụ thể, năm ngoái anh trả công 220.000 đồng/ngày không bao ăn, uống. Còn năm nay, anh trả công 250.000 đồng/ngày, bao thêm bữa ăn trưa, nước uống. Mặc dù vậy việc tìm được công hái cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Trước những diễn biến trên, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường đăng tải các thông tin về giới thiệu, tìm lao động thu hái cà phê, nhất là ở các vùng trọng điểm như Đắk Mil, Krông Nô, Đắk R'lấp...
 
Bộ phận chuyên môn của đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát người chưa có việc làm, lao động trở về từ các tỉnh, từ giới thiệu, môi giới lao động thu hoạch cà phê cho người dân.
 
Đơn vị cũng kết nối với các chủ vườn thực hiện việc thu hái cà phê theo phương châm tại chỗ, tránh tình trạng làm lây lan dịch bệnh. "Hiện nay lao động có nhu cầu ít. Trong khi lao động ở các địa phương đến cũng không nhiều", lãnh đạo Sở LĐTBXH cho biết.
 
Nhiều chủ vườn may mắn đã thuê được nhân công thu hái cà phê
Nhiều chủ vườn may mắn đã thuê được nhân công thu hái cà phê
 
Hiện nay, chính quyền các cấp đang tăng cường giám sát, hướng dẫn lao động thu hái cà phê tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương cũng tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng này.
 
Công tác bảo đảm an ninh trật tự, khai báo lưu trú được nhiều chủ vườn quan tâm. Chính quyền cấp cơ sở cũng tập trung kiểm tra, kiểm soát tình hình đi lại, lưu trú của lao động hái cà phê từ tỉnh khác đến.
 
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, vụ mùa này, tỉnh cần khoảng 13 triệu ngày công lao động thu hái cà phê. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%, nên tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra, nhất là thời điểm đầu vụ như hiện nay.
 
Dù thiếu nhân công, nhưng ngành Nông nghiệp đã vận động bà con không thu hái cà phê ồ ạt, quả xanh nhiều, làm giảm chất lượng sản phẩm. Các yếu tố về bảo quản, sơ chế phải được quan tâm để nâng cao giá trị hạt cà phê.
 
Chính quyền cơ sở cũng vận động thành lập các tổ, nhóm đổi công hái cà phê cho người dân. Các lực lượng thanh niên, xung kích đã được huy động để giúp dân thu hoạch cà phê, giảm bớt áp lực thiếu nhân công.
 
Với hơn 131.000 ha, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Năm 2020, sản lượng cà phê của tỉnh đạt 306.700 tấn. Dự kiến năm 2021, sản lượng ước đạt khoảng 332.000 tấn.
 
Bài, ảnh: Hồng Thoan (Báo Đắk Nông)
 
 
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202111/gia-cong-hai-ca-phe-tang-nhung-kho-tim-nguoi-5757732/
Tin liên quan
Chưa có thông tin