|
  • :
  • :

Giá thấp nhưng khá ổn định

Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Phước Thọ xác nhận, giữa thời điểm mùa COVID-19, việc giao thương, vận chuyển khó khăn nhưng nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh vẫn tiêu thụ ổn định.

Hải sản được Công ty TNHH MTV Phú Song Hường sơ chế, cấp đông sau khi thu mua của ngư dân

Khi đợt dịch thứ 4 tái phát, nhiều nông dân, HTX khá lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX sản xuất nông sản hữu cơ, chất lượng cao bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tại các vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội không thể vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Tuy vậy, các HTX và nông dân đã có sự chủ động, một phần nhờ đến chính quyền địa phương, đoàn hội các cấp hỗ trợ kết nối thị trường, dần tiêu thụ hết số nông sản tồn đọng.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông khẳng định, hoạt động tiêu thụ nông sản của một số địa phương không tránh khỏi khó khăn nhất định. Điển hình khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa bàn như xã Vinh Hiền bị phong tỏa đã tồn đọng hàng chục tấn thủy sản nuôi lồng trên đầm phá Cầu Hai. Chỉ sau chừng một tháng vừa chống dịch, vừa kết nối chuỗi cung ứng, chủ yếu là các thương lái, nhà hàng, cơ sở cấp đông trong tỉnh và Đà Nẵng đã tiêu thụ hết hơn 30 tấn cá đặc sản các loại.

Theo Sở NN&PTNT, thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản chỉ gặp khó khăn trong thời gian đầu xảy ra dịch bệnh, nhất là các địa phương, vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Thông qua sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn hội kết nối cung cầu, các mặt hàng từng bước tiêu thụ ổn định. Nhiều loại nông sản như lúa, gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản ít tồn đọng. Nông dân đang dần thích ứng với “cơ chế thị trường” mùa dịch COVID-19.

Tuy tiêu thụ ổn định, không tồn đọng, hoặc tồn đọng ít nhưng giá một số sản phẩm có giảm so với thời điểm bình thường. Giá lợn hơi đang giảm từ 60 ngàn đồng/kg xuống khoảng 52-57 ngàn đồng/kg, giá gà lông (gà sống) khoảng 51-55 ngàn đồng/kg, giá thịt bò khoảng 240 ngàn đồng/kg… Với mức giá này thì người chăn nuôi có lãi nhưng thấp. Giá nông sản giảm, nhất là sản phẩm chăn nuôi kèm theo giá thức ăn tăng cao vì nguyên liệu nhập khẩu tăng nên thu nhập của người chăn nuôi có xu hướng giảm.

Việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định trong mùa dịch cho thấy, chuỗi cung cầu đang được gắn kết, sự đa dạng giữa các kênh tiêu thụ. Các siêu thị thu mua một lượng lớn nông sản dự trữ phục vụ cung ứng thị trường, người tiêu dùng trong mùa dịch. Chuỗi 25 cửa hàng, 4 chợ truyền thống hạng 1 tham gia thu mua, phân phối các mặt hàng thiết yếu, nông sản. Các đơn vị, DN và nhiều cửa hàng phân phối khác tham gia cung ứng các mặt hàng thiết yếu với nguồn hàng đa dạng, phong phú, đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, các đầu mối, thương nhân tham gia dự trữ, cung ứng một lượng lớn mặt hàng thiết yếu. Đáng nhắc đến là Công ty CP Lương thực tỉnh, Công ty CP Tân Long và các đại lý, cửa hàng kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh với khả năng cung ứng khoảng 512 tấn gạo/tháng. Bình quân mỗi ngày, sản lượng rau, củ, quả tại hệ thống siêu thị lớn cung ứng khoảng 31 tấn; lượng rau, củ, quả nhập từ các tỉnh phía bắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam về chợ đầu mối Phú Hậu cung ứng thị trường bình quân khoảng 100 tấn/ngày.

Nguồn lương thực, lúa trong dân sau khi thu hoạch vụ hè thu 2021 vẫn còn tồn đọng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do thời điểm này giá còn thấp, người dân chờ thời điểm giá cao mới bán. Hàng hóa thủy-hải sản khai thác sau khi thu mua được các chủ doanh nghiệp, chủ nậu và những người mua bán nhỏ, lẻ chở đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và từ tỉnh Quảng Trị đến Thanh Hóa thông qua DN Ba Cô Gái, Lực Sỹ ở tỉnh Nghệ An và DN Phương Thảo ở Quảng Ngãi.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/gia-thap-nhung-kha-on-dinh-a105992.html
Tags: tiêu thụ
Tin liên quan
Chưa có thông tin