Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xây dựng một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Giải pháp xây dựng mô hình KTTH trong nông nghiệp là lộ trình định hướng và phát triển KTTH, thể hiện qua các chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Ngãi. Bài viết gợi ý một số mô hình tuần hoàn trong nông nghiệp, từ đó hàm ý giải pháp xây dựng mô hình KTTH trong nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi.
Mở đầu
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền KTTH giống như một “chiếc hồ”, trong đó việc tái xử lý hàng hóa và nguyên vật liệu tạo ra công ăn việc làm và tiết kiệm năng lượng, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ nguồn lực và lượng rác thải. Xây dựng mô hình KTTH trong nông nghiệp là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Quảng Ngãi có diện tích đất nông nghiệp hơn 322.000 ha (chiếm hơn 62% diện tích đất tự nhiên), có nguồn lao động dồi dào, nhiều tuyến giao thông quan trọng thông thương kết nối thuận tiện, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là vùng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng.
Cụ thể, các mô hình kinh tế chỉ tập trung vào năng suất, sản lượng theo tư duy tuyến tính, chưa đặt cao yêu cầu phát tiển bền vững, thân thiện môi trường; chưa quan tâm đến lượng dư thừa của quá trình sản xuất… Theo khảo sát của tác giả, ngành nông nghiệp tại đây có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm rơm rạ bỏ tại cánh đồng rất nhiều, bà con nông dân chỉ mang hạt thóc về, khi máy gạo cũng chỉ mang hạt gạo về nhà còn trấu bỏ lại.
Cám bán rẻ, thậm chí bỏ cám cho chủ máy. Trồng bắp thì chỉ lấy trái, thân và lá bỏ… Trong khi đó, từ nguồn phế phụ phẩm này có thể sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị như: phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học... Hệ quả là tình trạng lãng phí các phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi phổ biến, thậm chí gây ô nhiễm môi trường, như đốt bỏ rơm rạ, không xử lý tốt chất thải...
Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng KTTH trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp cho người dân vừa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, vừa giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và thải chất thải rắn ra môi trường. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình KTTH không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi mà còn góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Thực trạng phát triển mô hình KTTH trong nông nghiệp ở Quảng Ngãi
Với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường cho thấy phát triển KTTH trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị, đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Thực tế ở Quảng Ngãi hiện nay đã có nhiều mô hình KTTH trong nông nghiệp. Đó là các mô hình: tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông - lâm kết hợp; mô hình vườn rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.
Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ, ngô - gia súc, gia cầm - cá…
Chia sẻ về dự kiến mô hình liên kết tuần hoàn trồng sả chanh - nuôi bò và trồng nấm của một hợp tác xã trên huyện Sơn Tây cho thấy, mô hình này tận dụng được phế phẩm chăn nuôi cho trồng trọt và ngược lại. Hợp tác xã trồng cây sả chanh chiết xuất tinh dầu sả, bán tinh dầu sả với giá tối thiểu 900.000 đồng/lít, phần lá sả sau khi chưng cất sẽ cho bò ăn.
Nước và phân bò được thu gom, ủ và xử lý không hóa chất để trở thành chất đệm sinh học và phân bón hữu cơ sử dụng trong chăn nuôi, trồng sả. Đồng thời, nước thải từ quá trình chăn nuôi sau khi được xử lý là nguồn phân bón lỏng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt, nguồn dinh dưỡng này là các hợp chất hữu cơ tự nhiên, dễ phân hủy và cây trồng dễ hấp thụ. Phân bò sẽ áp dụng các giải pháp xử lý công nghệ vi sinh làm hoai mục phân để bón cho sả. Không cần dùng tới thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng vẫn giúp sản xuất sả với chi phí rẻ, tạo ra chất lượng cao, phục vụ khách hàng.
Dù mang lại những lợi ích không nhỏ, nhưng việc triển khai các mô hình KTTH trong nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang còn ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp chưa phát triển. Nguyên nhân do luật pháp, khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa được hoàn thiện.
Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ cho phát triển KTTH còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay chúng ta còn chưa phát huy hết các tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng khoa học và công nghệ trong KTTH còn hạn chế khi hoạt động nghiên cứu và phát triển công tác này còn hạn chế trong các doanh nghiệp; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số...
Giải pháp xây dựng mô hìnhKTTHtrong nông nghiệp ở Quảng Ngãi
Để triển khai được mô hình KTTH ở tỉnh Quảng Ngãi hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng một số mô hình thí điểm, với sự tham gia của kinh tế tập thể (hợp tác xã) gắn với kinh tế tư nhân (doanh nghiệp trong hợp tác xã), từ đó phát triển hệ sinh thái cho vùng sản xuất nông nghiệp. Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, rường cột, làm trung tâm vùng lõi, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến…
Hai là, mở rộng liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối phát triển KTTH. Trong liên kết này, phế phụ phẩm của đơn vị này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị kia. Ví dụ, sử dụng toàn bộ phế phụ phẩm trong nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi để sản xuất thức ăn gia súc và phân bón hữu cơ vi sinh trên nền tảng của công nghệ sinh học và công nghệ chế biến công nghiệp hiện đại.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nông dân nhận thức, hiểu biết các mô hình nông nghiệp tuần hoàn để sẵn sàng tham gia và cùng phát huy hiệu quả. Với địa bàn rộng, dân số phân bố rải rác như ở các vùng nông thôn và miền núi thì cách tuyên truyền tốt nhất là tới tận từng hộ dân, thông qua các tờ rơi được in ấn bắt mắt, dễ hiểu; thông qua thăm quan các mô hình thực tế. Trước mắt, thực hiện phương thức cầm tay chỉ việc để số đông cùng nắm bắt thông tin và thực hiện theo quy trình cụ thể. Ví dụ như phân loại rác thải từ đầu nguồn tối thiểu theo 2 nhóm là rác hữu cơ và rác vô cơ; ủ phân hữu cơ tại chỗ… Chất thải cứng vô cơ khác sẽ được tập kết tại địa điểm tập trung, có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng hoặc nền đường với công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.
Bốn là, chủ động tham vấn các ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp để nghiên cứu, thiết kế và đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích thúc đẩy mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của vùng. Chính quyền địa phương đóng vai trò là người chấp nhận thử nghiệm, đề xuất cơ chế phù hợp, tránh tình trạng thiết chế lỗi thời cản trở các động lực đổi mới, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong chỉ đạo phát triển KTTH và nông nghiệp tuần hoàn. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, khu dân cư trong triển khai, đặc biệt là vai trò cấp xã. Vì đây là mô hình phát triển mới, có tính liên kết rộng, có sự tham gia của nhiều đối tượng… đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm cao của chính quyền các cấp nên cần những con người thực sự có trách nhiệm, có khát vọng với sự phát triển của địa phương, cần những con người dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng cùng ăn, cùng làm với người dân.
Cũng phải nhấn mạnh, các doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình đi đầu trong quá trình này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là lúc cần sự hậu thuẫn, chia sẻ và chung tay của chính quyền địa phương. Có như vậy, mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực nông thôn và miền núi mới có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích sản xuất các sản phẩm, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình KTTH. Thực hiện KTTH cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Thay lời kết
Việc triển khai các mô hình KTTH trong nông nghiệp không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường cho thấy phát triển KTTH trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để từ đây, tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững
Tỉnh Quảng Ngãi cần chủ động tiếp cận sớm, nhanh và có những giải pháp đủ mạnh để mang lại giá trị thiết thực trong phát triển bền vững. Vì thế, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và toàn dân. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và lâu dài, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh với tinh thần đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững.
ThS Phạm Thị Thanh Luyến
Trường Đại học Tài chính - Kế toán