Hàng chục nghìn tấn cá tra nằm dưới ao, quá lứa
Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) diễn ra ngày 9/9, ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ - cho biết, trên địa bàn đang tồn 38.500 tấn cá tra nằm dưới ao trong khi 90% nhà máy chế biến của Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" dẫn đến cá đến lứa nhưng không thu hoạch được, người nông dân hết sức lo lắng.
Tính tới hết tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 906,6 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 8/2021, xuất khẩu cá tra giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19 |
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, hiện nay nhiều địa phương chỉ cấp giấy đi đường cho người làm dịch vụ, đi giao hàng mà không ưu tiên cho người sản xuất nên việc di chuyển từ nhà đến nơi canh tác đang gặp nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng khâu thu hoạch cá tra ách tắc, đội ngũ thu mua cá muốn di chuyển từ vùng này qua vùng khác phải cách ly 14 ngày, gây chậm trễ trong việc thu hoạch.
Do đó, ông Nguyễn Tấn Nhơn kiến nghị các địa phương trong vùng cần thống nhất quy trình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Các địa phương có thể thành lập các tổ, đội thu hoạch cá chuyên nghiệp, sau đó cùng thống nhất cho phép đội nhóm này di chuyển để thu hoạch trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn - nêu một thực tế, cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ mà công đoàn thu hoạch cá tra khi vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì làm sao đảm bảo tiến độ thu hoạch, chế biến. Trong khi công đoàn thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vắc xin, có giấy xét nghiệm đầy đủ.
Hiện tại có những vùng như Sa Đéc (Đồng Tháp) không cho vào thu hoạch, "vùng xanh" còn nghiêm ngặt hơn "vùng đỏ”. "Công đoàn thu hoạch cá tra của chúng tôi cũng thực hiện "3 tại chỗ", các địa phương nên có quy định cho đội ngũ này vào thu hoạch cá tra" - bà Trương Thị Lệ Khanh kiến nghị.
Hiện, Vĩnh Hoàn đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để giải phóng lượng cá tra quá lứa dưới ao nhưng vấn đề là kêu gọi công nhân vào làm "3 tại chỗ" rất vất vả. Bởi lẽ, công nhân của nhà máy không chỉ nằm ở địa bàn nhà máy đứng chân mà còn ở các địa phương lân cận, muốn đi làm thì phải đi test mà giờ công nhân còn không được phép ra khỏi nhà để đi test Covid thì đến nhà máy kiểu gì?.
“Hiện nay áp lực của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra là rất lớn, trong đó, việc di chuyển của người lao động, việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, bà Trương Thị Lệ Khanh nói.
Cần "cởi trói" để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất
Số lượng nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động đã lên tới 170 thay vì con số 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động được Bộ NN&PTNT cho biết cách đây 1 tuần; những nhà máy còn lại thì công suất chỉ đạt khoảng 30-40%. Chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.
Mặc dù hiện tại giá xuất khẩu tăng, đơn hàng tăng nhiều hơn, nhưng thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu vì không thể vận chuyển từ vùng này sang vùng khác, doanh nghiệp đang bị “trói tay” không thể tăng quy mô sản xuất để đáp ứng xuất khẩu.
Về sản xuất "3 tại chỗ", nếu cứ kéo dài, doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng. "Chúng tôi đã thực hiện 3 tại chỗ 2 tháng nay, hàng tuần đều test PCR nên rất tốn kém. Nên chăng chỉ cần tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay", bà Trương Thị Lệ Khanh kiến nghị.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất (UAE)… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam quý III/2021 sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu thế giới tăng và nguồn cung cá tra của Việt Nam ổn định, nếu tình hình dịch Covid-19 không gây ảnh hưởng quá lớn tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở phía Nam.
Nhìn thấy tiềm năng ở phía trước, tuy nhiên, điều cần thiết nhất trong thời gian này là doanh nghiệp chế biến cá tra sớm ổn định trở lại để duy trì đơn hàng, công ăn việc làm cho người lao động và nắm bắt được thời cơ xuất khẩu mà thị trường mang lại. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 trong toàn chuỗi từ sản xuất tới chế biến.
"Hiện, chỉ ưu tiên vắc xin cho công nhân nhà máy chế biến mà chưa ưu tiên cho nhân công vùng nguyên liệu thì làm sao người dân có thể đi thu hoạch để phục vụ chế biến, trong khi đội thu hoạch cá tra phải cần đến 40 - 50 người. Nếu không tiêm cho cả lực lượng này thì khó có thể tổ chức lại sản xuất", ông Nguyễn Tấn Nhơn nói.
Trước kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, không thể từng cá nhân riêng lẻ đều đòi hỏi phải có giấy đi đường. Các địa phương trong vùng cần thống nhất quy trình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Các địa phương có thể thành lập các tổ, đội thu hoạch cá tra chuyên nghiệp, sau đó cùng thống nhất cho phép đội nhóm này di chuyển để thu hoạch trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch.
Nguyễn Hạnh