Vùng bãi sông đã và đang là khu vực vừa khó kiểm soát phát triển hướng tới đảm bảo không gian thoát lũ; vừa đặt ra bài toán đánh thức tiềm năng không gian cảnh quan hướng tới phát triển bền vững quận Long Biên.
Hành lang xanh – không gian mở tuyến tính: yếu tố bền vững của đô thị
Trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế đô thị, trên thế giới sử dụng nhiều khái niệm khác nhau gắn với quá trình thiết lập cấu trúc không gian xanh đô thị như: Nêm xanh, đường xanh, mạng xanh, hạ tầng xanh… Tuy nhiên, không gian xanh được thiết lập với cấu trúc rõ rệt, phổ biến nhất trong cơ cấu quy hoạch chung đô thị lớn là vành đai xanh và hành lang xanh. Nếu như, vành đai xanh với vai trò chính là ngăn cản sự mở rộng thiếu kiểm soát của đô thị [1], đã được giới nghiên cứu thống nhất chung; thì hành lang xanh còn là khái niệm có nhiều nhận thức khác nhau.
Nhiều quan điểm cho rằng: Hành lang xanh chỉ các không gian mở tuyến tính, bao gồm các công viên cây xanh, đất nông nghiệp hoặc các khu vực tự nhiên, bán tự nhiên được hình thành dưới dạng các dải đan xen bên trong hoặc bên ngoài đô thị vì các mục đích bảo vệ môi trường và cảnh quan [2]. Đa số trường hợp hành lang xanh được thiết lập dựa trên tuyến không gian tự nhiên – các dòng sông… Ở Hà Nội, sông Hồng và sông Đuống là cơ sở tạo lập hành lang xanh chủ đạo của đô thị trung tâm. Xét về mặt lịch sử quy hoạch Hà Nội, sông nói chung và sông Hồng nói riêng còn là yếu tố quan trọng trong việc thiết lập cấu trúc không gian TP từ thời cổ đại cho đến ngày nay.
Ở Quy hoạch Chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quan điểm về hành lang xanh đã có sự mở rộng khi chấp nhận các khu vực chức năng có mật độ thấp như Công viên giải trí, Khu du lịch sinh thái, Khu vực bảo vệ di sản văn hóa nhằm tạo lập, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị [3]. Tương tự như Vành đai xanh, đây là quan điểm có tính đến thực tiễn tồn tại làng xã truyền thống và hoạt động canh tác nông nghiệp lâu đời tại các vùng bãi sông Hồng, sông Đống và các dòng sông khác trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, thể hiện tư duy mong muốn đảm bảo sự phát triển có giới hạn trong khu vực hành lang xanh nhằm tạo nguồn lực cho việc bảo tồn và thiết lập không gian cảnh quan đặc biệt với khu vực sông Hồng. Như vậy, hành lang xanh có những điểm tương đồng với vành đai xanh khi dựa trên các yếu tố của không gian xanh. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất có lẽ không chỉ ở mặt hình thái học, khi hành lang xanh có dạng tuyến dải, còn vành đai xanh là một tròn khép kín, mà còn ở quan điểm tạo lập diện mạo cho TP hai bên sông.
Thực tiễn hiện nay cho thấy việc quản lý phát triển hướng đến mong muốn: TP “quay mặt” ra sông là bài toán phát triển đô thị gắn với bảo tồn cảnh quan truyền thống trong khu vực có sự ảnh hưởng bởi lũ lụt là vấn đề cần được giải đáp. Đây cũng là vấn đề mà quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung cần tính đến trong giai đoạn phát triển mới, khi 20 năm qua, kể từ ngày thành lập, không gian phát triển của quận đã cơ bản phủ kín, lấp đầy ở các vùng trong đê.
Hành lang xanh có đồng hành cùng hành lang thoát lũ?
Từ ngã ba Bắc Cầu trên địa bàn phường Ngọc Thụy, sông Hồng đổ nước vào sông Đuống. Hai dòng sông xuôi về hạ lưu hòa cùng hệ thống sông Thái Bình tạo thành vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Các làng xóm truyền thống hình thành dọc theo dòng sông gắn liền với hệ thống đê điều thủy lợi, điều này phản ảnh hai khía cạnh ứng xử: “Dựa thủy” và “Trị thủy” của con người từ bao đời nay.
Quận Long Biên có đến 2.250ha đất ngoài đê, chiếm 37% diện tích tự nhiên của quận [4]. Phần lớn diện tích đất bãi ngoài đê hiện vẫn là đất canh tác nông nghiệp của dân cư các làng truyền thống hai bên, thuộc trong và ngoài đê. Đây là một đặc trưng của Long Biên: Cho dù đã là quận, nhưng vẫn có một tỷ lệ phi nông nghiệp trong cơ cấu dân cư và kinh tế chung. Một số vùng trồng rau tại phường Giang Biên, Phúc Lợi đã manh nha hình thành mô hình nông nghiệp đô thị chất lượng cao bên sông Đuống [5]. Những làng xóm, cùng với các công trình thiết chế công cộng truyền thống bên sông Hồng, sông Đuống tồn tại chủ yếu ở khu vực thượng lưu, trên địa bàn các phường Ngọc Thụy, Bồ Đề, Long Biên, Thượng Thanh… Hầu hết các làng xóm này đều được ngành nông nghiệp xác định nằm trong Hành lang thoát lũ cần phải di dời [6]. Cho dù, gần 30 năm trở lại đây, khi hệ thống thủy điện, hồ chứa ở thượng lưu sông Đà đã xây dựng hoàn chỉnh, hiếm khi Hà Nội có thông báo báo động lũ cấp 1 (cấp thấp nhất).
Có lẽ tâm lý thành công trong “trị thủy”, và yếu tố thuận lợi của môi trường tự nhiên ven sông đã khiến quá trình đô thị hóa tại các khu vực làng xóm ngoài đê trên địa bàn quận Long Biên trở nên mạnh mẽ hơn. Việc kiểm soát xây dựng khu vực ngoài đê không hề dễ dàng, và càng không thể di dân ra khỏi hành lang thoát lũ như những quy định hiện nay của ngành nông nghiệp. Thực tế cũng cho thấy rằng những quy định không gắn với thực tiễn sẽ khó mà thực hiện được. Đây cũng đang là rào cản cho mục tiêu: Không để thành phố quay lưng lại với dòng sông của Hà Nội.
Quay ngược lại với khái niệm “Hành lang xanh”, có thể thấy việc có các chức năng đô thị ở mức độ chấp nhận được là hoàn toàn phù hợp, phải chăng chỉ là vấn đề kỹ thuật và giải pháp thực hiện để đảm bảo phát triển đô thị bền vững trên khía cạnh thích ứng với dòng sông? Hay nói cách khác: “Hành lang xanh liệu có đồng hành được cùng với Hành lang thoát lũ hay không?”
Thí điểm hình thành hành lang xanh đồng thời với cứng hóa bờ vở sông hồng, sông Đuống trên địa bàn quận Long Biên
TP tương lai phát triển hai bên sông Hồng là tất yếu, với đặc trưng phát triển lan tỏa từ trung tâm ra ngoại vi. Như vậy có thể thấy khả năng nghiên cứu phát triển bền vững trong “Hành lang xanh” theo hướng cứng hóa đường bờ vở từ trong lõi đô thị ra bên ngoài. Theo đó, khu vực hành lang xanh sông Hồng từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy có thể kết hợp hành lang thoát lũ với hình thành kè bờ vở sông. Ngoài phạm vi này, có thể “mềm hóa” dòng sông theo từng phân đoạn.
Với giải pháp này, có thể cấu trúc các không gian hai bên sông Hồng phục vụ cho mục tiêu phát triển. Đối với quận Long Biên, sẽ là giải pháp đánh thức tiềm năng của vùng đất bãi thuộc các phường Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối. Những không gian công viên, cây xanh, những bãi tắm, đường dạo, nhà hàng, trung tâm thương mại, khách sạn mật độ thấp không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho thành phố, mà còn đem đến nguồn lực cho việc cải tạo, chỉnh trang và bảo tồn các không gian cảnh quan văn hóa tại các làng truyền thống ngoài đê.
Đồng thời với việc phát triển mật độ thấp, có lẽ cần đặc biệt lưu tâm đến việc bảo tồn các không gian cảnh quan tự nhiên còn sót lại bên sông, thậm chí cả các không gian bán tự nhiên với các hoạt động đô thị cũng cần được tính tới nhằm tạo sự đa dạng – tính hấp dẫn riêng của hành lang xanh trong vùng kề cận lõi đô thị, như hình ảnh các bụi tre, bến nước, dải bãi bồi phù sa … Khai thác du lịch, vui chơi giải trí kết hợp dã ngoại trong hành lang xanh sông Hồng cùng với việc bảo tồn cầu Long Biên, sẽ tạo nên động lực phát triển mới cho quận Long Biên nói riêng và TP nói chung.
Việc thiết lập hệ thống đường ven sông, tiếp cận với sông tại kè vở sông Hồng cần đồng thời thực hiện với việc phát triển các không gian cảnh quan, đô thị mới và bảo vệ các không gian xanh hiện hữu. Một chương trình phát triển riêng, thận trọng cho khu vực hành lang xanh sông Hồng trên địa bàn quận Long Biên sẽ là bước đi cần thiết trong thời gian tới.
Việc ứng xử với hành lang xanh sông Đuống trên địa bàn quận Long Biên có những điểm khác biệt do yếu tố vị trí và đặc điểm kỹ thuật so với sông Hồng. Sông Đuống kề cận với vùng ngoại ô, chứ không tiếp giáp khu vực lõi trung tâm lịch sử như phía bờ sông Hồng. Sông Đuống những năm gần đây đã có sự thay đổi về lưu lượng dòng chảy theo hướng gia tăng mạnh hơn, sau những tác động từ hệ thống thủy lợi thượng nguồn. Trong hành lang xanh và không gian thoát lũ sông Đuống việc duy trì không gian nông nghiệp đô thị đồng thời với bảo tồn không gian bán ngập lụt cần được chú trọng. Bảo vệ được không gian cảnh quan sinh thái nông nghiệp ở đây chính là việc hướng đến phát triển bền vững, cân bằng cho tương lai [7]. Một số dự án hợp tác nhằm duy trì hoạt động nông nghiệp theo hướng sinh thái trong khu vực đã mở đường cho việc phát triển trong tương lai. Những trang trại nông nghiệp đô thị đa dạng, có những mô hình kết hợp với giáo dục, trải nghiệm du lịch nông nghiệp là nhận thức mới trong phát triển bền vững trong hành lang thoát lũ thuộc hành lang xanh sông Đuống trên địa bàn quận Long Biên.
Kết luận
Hành lang xanh sông Hồng, sông Đuống là tiềm năng của quận Long Biên cần được khai thác một cách hợp lý trong tương lai theo những nguyên tắc, khái niệm cơ bản. Tuy nhiên, việc quy hoạch và quản lý hành lang xanh phù hợp với quy định về hành lang thoát lũ, hướng đến phát triển bền vững cần có nhận thức và nghiên cứu mới đối với từng khu vực đô thị hóa. Đây là tiền đề để hình thành cấu trúc hành lang xanh chủ đạo của Thủ đô trong tương lai, mà quận Long Biên có đủ điều kiện để thực hiện những bước đi đầu tiên.
TS.KTS Vũ Hoài Đức
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Hùng Cường (2012) – Quy hoạch phát triển hành lang xanh Thủ đô Hà Nội – cơ hội và thách thức. Tạp chí Kiến trúc. Quy hoạch phát triển hành lang xanh Thủ đô Hà Nội Cơ hội và thách thức – Tạp chí Kiến Trúc (tapchikientruc.com.vn)
2. Nguyễn Văn Tuyên (2016) – “Cấu trúc quy hoạch hành lang xanh thành phố Hà Nội” – NXB Xây dựng, Hà Nội.
3. Chính phủ (2012) – Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
4. Quận Long Biên trong tương lai (xaydung.gov.vn).
5. Đặc thù vùng rau an toàn ven đô: Long Biên phát triển du lịch nông nghiệp (nongnghiep.vn).
6. Chính phủ (2016), Quyết định 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
7. Phát triển nông nghiệp ven Hà Nội theo hướng bền vững – Tạp chí Kiến trúc Việt NamTạp chí Kiến trúc Việt Nam (kientrucvietnam.org.vn).