|
  • :
  • :

Hòa Bình: Cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có công điện số 01/CĐ-UBND về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Công điện Khẩn của UBND tỉnh Hòa Bình

Công điện nêu rõ, theo thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; hiện mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp; một số hồ chứa lớn lượng nước trữ trong các hồ chứa thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3 . Năm 2023 được dự báo là một trong những năm nóng kỷ lục. 

Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới.

Nhằm chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố... tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu. 

Hòa Bình: Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước - Ảnh 1.

Thời tiết nắng nóng ánh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. (Ảnh: P.H)

Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. 

Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, nhất là đối với vùng núi thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt. 

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung. 

Sở NN&PTNT theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước...

Sở Y tế thực hiện hướng dẫn người dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước. Đồng thời, hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài.​​​​​​

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/hoa-binh-cap-bach-ung-pho-voi-nguy-co-nang-nong-han-han-thieu-nuoc-20230516131438419.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin