|
  • :
  • :

Hòa Bình: Tiền Phong vượt khó xây dựng nông thôn mới

Là xã nghèo, xa xôi và khó khăn của huyện Đà Bắc (Hòa Bình), Tiền Phong không ngừng nỗ lực vượt khó, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM), phấn đấu đến năm 2025 về đích NTM.

Chuyển biến tích cực nhờ xây dựng NTM ở Tiền Phong

Tiền Phong được biết đến là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đà Bắc. Nơi đây có địa bàn có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện. Kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp và đánh bắt thủy sản. Thu nhập của người dân còn thấp. Cuộc sống người dân còn bộn bề khó khăn.

Xác định rõ những khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng và thuận lợi, chính quyền xã đã tập trung phát huy nội lực, kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng NTM. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân nên việc xây dựng NTM ở đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những con đường đất lầy lội tại các xóm trước kia nay đã được thay thế bằng những con đường bê tông sạch đẹp. Có nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã.

Hòa Bình: Tiền Phong vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã Tiền Phong. Ảnh: Tuệ Linh.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong xã về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Bùi Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Xác định công cuộc xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc và mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Do vậy, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai thực hiện một cách tích cực, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh trên loa công cộng, thông tin nội bộ của xã và các hội nghị từ xã đến thôn; tuyên truyền bằng băng rôn, bảng tin... trên địa bàn xã. Các phong trào thi đua như: Phong trào "Huyện Đà Bắc chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh"; phong trào "5 không, 3 sạch"; "xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới"; xây dựng "Khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu"... tiếp tục được tuyên truyền phát động tới đông đảo tầng lớp người dân.

Đặc biệt hơn, xã đã và đang phát huy vai trò của người có uy tín để tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp ngày công, tiền, hiến đất để xây dựng NTM.

Hòa Bình: Tiền Phong vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá lồng đang giúp người dân xã Tiền Phong nâng cao thu nhập. Ảnh: Phạm Hoài.

Nhờ đó mà người dân đã tích cực tham gia xây dựng NTM; chủ động trong việc trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm; gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội. Trên địa bàn xã, một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá lồng, chăn nuôi lợn. Thu nhập bình quân đầu người trên 32 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân từng bước nâng lên.

Tiền Phong phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM đề ra          

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, hiện nay, theo rà soát đánh giá xã Tiền Phong đạt 10/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí chưa đạt bao gồm: Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hoá, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Y tế, Môi trường và an toàn thực phẩm, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Để duy trì và giữ vững 10 tiêu chí xã đã đạt, phấn đấu cuối năm 2023 đạt từ 2 đến 3 tiêu chí gồm: Giao thông, Trường học, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Xã Tiền Phong xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện của cả giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm, xác định các nguồn lực cụ thể; xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế hỗ trợ... nhằm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có hiệu quả. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng trong xây dựng NTM.

Hòa Bình: Tiền Phong vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Xã Tiền Phong phấn đấu cuối năm 2023 đạt từ 2 đến 3 tiêu chí gồm: Giao thông, Trường học, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Ảnh: Phạm Hoài.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dẫn hiểu đầy đủ và sâu sắc về mục đích, ý nghĩa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng NTM "toàn diện, nâng cao và bền vững" với phương châm "xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".

Cùng với đó, xã Tiền Phong sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, cuộc vận động xây dựng NTM.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực của đơn vị (nhất là nguồn lực trong dân), kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án và các nguồn lực hợp pháp khác để tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa các công trình hạ tầng cơ sở nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế tại xã... đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/hoa-binh-tien-phong-vuot-kho-xay-dung-nong-thon-moi-2023071922332627.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin