Sâu sát và xây dựng Hội phát triển vững mạnh
Bám sát nhu cầu thực tế của hội viên nông dân, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã luôn đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác truyền tải vốn cho nông dân sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp các hộ nông dân thay đổi cách thức sản xuất, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Hàng năm, cùng với nguồn vốn từ các ngân hàng, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý cũng đã hỗ trợ thiết thực cho nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, tập trung đột phá, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực và chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy. Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp kịp thời sơ kết, tổng kết các chuyên đề liên quan đến nông ngiệp, nông dân, nông thôn để đi sâu chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; lấy lợi ích thiết thân mà trước hết là lợi ích kinh tế để tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Ngoài ra, Hội còn gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục, vận động, đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội đi đôi với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: Công tác tổ chức bộ máy của Hội Nông dân các cấp luôn được lãnh đạo Hội quan tâm củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ hội các cấp. Chúng tôi luôn tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ ở cấp cơ sở Hội, chi hội. Qua đó tiến tới củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động của Hội Nông dân. Chúng tôi luôn xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hội các cấp, chỉ khi nào chất lượng đội ngũ cán bộ hội viên các cấp được nâng lên thì tổ chức Hội mới phát triển vững mạnh.
Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp Hội đã giúp nông dân từng bước khắc phục khó khăn tập trung cho sản xuất nông nghiệp. Nông dân trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng thêm ngành nghề, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi phát triển ổn định và đang chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra bước chuyển biến tích cực trong nông nghiệp; nông dân đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, đời sống ngày càng được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn.
Hội là chỗ dựa vững chắc cho hội viên phát triển kinh tế
Để Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình ngày càng phát triển vững mạnh, Hội luôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chỉ đạo các cơ sở Hội nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của nông dân để đề xuất kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền. Vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia các hoạt động chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngày lễ lớn của dân tộc.
Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, trong 9 tháng đầu năm 2021, Hội kiến nghị và đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng có liên quan có các giải pháp khắc phục tháo gỡ cho nông dân. Hội cũng phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng giải quyết 373 đơn thư khiếu nại tố cáo và kiến nghị, số vụ hòa giải là 1,055 vụ, tổ chức hoà giải thành công 351 vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở. Để tổ chức xây dựng hội vững mạnh, Hội đã đổi mới nội dung, phương thức và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội. Từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh đã kết nạp mới được 1.079 hội viên (đạt 90% chỉ tiêu giao), nâng tổng số hội viên hiện nay là 131.142 hội viên, giảm 523 hội viên (do hội viên đi làm ăn xa, không sinh hoạt, già yếu chết); số cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh là 150 cơ sở, 1.427 chi Hội, 2.370 tổ Hội.
Các cấp Hội tổ chức tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2020, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Hội Nông dân tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 06/8/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hội nghị và ban hành các quyết định về công tác cán bộ; đón đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân dân Việt Nam về thăm và làm việc tại tỉnh.
Hội xây dựng các kế hoạch, phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ hội cơ sở, cử cán bộ Hội chuyên trách đi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn. Chỉ đạo Hội Nông dân các huyện phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức 11 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 790 cán bộ cơ sở. 100% cơ sở Hội vận động hội viên phát triển quỹ Hội, với nhiều hình thức. Từ đầu năm đến nay phát triển quỹ Hội được hơn 537 triệu đồng, nâng tổng số quỹ hội toàn tỉnh lên 10,795 tỷ đồng, bình quân đạt 82.315 đồng/hội viên. Hội Nông dân các cấp thu nộp hội phí đạt 100% so với kế hoạch giao.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình là thường xuyên quan tâm, định hướng, giúp đỡ và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; giúp các hội viên có chỗ dựa vững chắc để họ có cơ sở, động lực phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở xã Dũng Phong, huyện Cao Phong đã liên kết với nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất và chăn nuôi. Để đạt được những kết quả cao nhất, Hội Nông dân xã đã thành lập tổ liên kết nuôi trâu vỗ béo theo phương thức nhốt chuồng. Đến nay, đã có hàng chục hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình này, nhiều hộ nông dân đã thực sự thoát nghèo từ nuôi trâu vỗ béo theo vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Anh Bùi Văn Thương, xóm Đồng Mới (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong) đã nuôi 8 con trâu vỗ béo để làm hàng hóa, từ đó cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá và có thu nhập cao. Anh Thương tâm sự: "Nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, gia đình tôi đã được vay vốn Quỹ hộ trợ nông dân và được tham gia vào lớp tập huấn chăn nuôi. Từ đó, tôi đã mạnh dạn mua trâu về nuôi nhốt chuồng vỗ béo phát triển kinh tế. Từ khi chuyển sang mô hình nuôi trâu này, tôi đã trả được hết nợ nần và mỗi năm đều cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng".
Nhờ những giải pháp cụ thể và sát sao của các cấp lãnh đạo Hội, đội ngũ cán bộ Hội thường xuyên được quan tâm kiện toàn, trình độ, năng lực được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy tốt vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.