Những năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế gia đình do dịch Covid – 19 xuất hiện ở nhiều nơi. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăn nuôi của người dân nơi đây. Trước những khó khăn đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai hiệu quả phong trào Nông dân Thi đua Sản xuất Kinh doanh giỏi, Đoàn kết giúp nhau làm giàu.
Được sự giới thiệu của Hội Nông huyện Yên Châu chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm và sinh sản của gia đình ông Quàng Văn Chiến, bản Luống Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La). Được tận mắt nhìn đàn trâu trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán, con nào con nấy đều chắc.
Dừng tay với chiếc liềm đang cắt cỏ ngoài bờ ao, chuẩn bị bữa tối cho đàn trâu, bò của gia đình, ông Chiến chia sẻ: Trước kia gia đình ông trồng các loại cây trên nương, thế nhưng mấy năm gần đây, thời tiết thất thường, khiến năng suất cây trồng giảm, cùng với đó do ảnh hưởng của dịch bệnh các loại sản phẩm nông sản ông tao ra khó khăn trong việc tiêu thụ.
Được Hội Nông dân huyện tuyên truyền và được đến thăm quan, học hỏi các mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh, cùng với quý đất của đai rộng, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Bằng nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ họ hàng, ông Chiến đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản.
"Gia đình nuôi bò được hơn 5 năm nay, hiện gia đình duy trì nuôi từ 15 đến 18 con bò sinh sản và thương phẩm, một ngày tôi cho bò ăn 3 lần, sáng, trưa và tối, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Năm vừa rồi tôi đã xuất bán 5 con bê và 4 con bò trưởng thành, thu lãi hơn 100 triệu đồng",ông Chiến nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, cho biết: Hội Nông dân huyện Yên Châu có 13/14 cơ sở Hội bước đầu đã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả. Toàn huyện có tổng số gần 50 hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả của bà con nông dân cũng đang đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống ở vùng nông thôn.
Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội chủ động đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Các Hội cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp theo phương thức chậm trả cho nông dân; cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng các mô hình, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho HTX, trang trại, nhóm hộ nông dân. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX, phòng Nông nghiệp và PTNT và các ngành chức năng tuyên truyền mở rộng các hình thức kinh tế...
Thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh đã giúp các hội viên, nông dân vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Nhiều năm qua, tại huyện Yên Châu đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nhờ vậy đã hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.