Diện mạo nông thôn mới Hoà Bình ngày càng đổi thay
Có dịp trở lại xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hoà Bình) những ngày tháng 4, trước mắt chúng tôi hiện ra là những con đường bê tông rộng và thẳng tắp rực rỡ hơn với những hàng cây, hàng hoa được trồng hai bên đường. Sau khi về đích nông thôn mới nâng cao, cùng với cả hệ thống chính trị, nông dân trong xã Phú Thành phát huy tốt vai trò nòng cốt, tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động nhằm giữ vững các tiêu chí đã đạt được.
Bà Bùi Thị Như Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành cho biết: "Để tiếp tục giữ vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã đạt được, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể; chỉ đạo các chi hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích hội viên tích cực đổi mới phương thức chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nâng cao thu nhập. Hưởng ứng phát động của Hội nông dân huyện và tỉnh, đến nay chúng tôi đã xây dựng được 5 công trình: Hàng cây nông dân dài 4 km, góp phần làm cảnh quan nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn".
Những năm qua, thực hiện chương trình XDNTM, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền đến cán bộ, hội viên. Cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, tài liệu liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới... Các hội viên đã chủ động thực hiện tốt các quy định của pháp luật về giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm. Đồng thời, bà con nông dân luôn tham gia tích cực vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình, làng, xã văn hóa.
Nông dân Hoà Bình góp hơn 11.400 ngày công xây dựng nông thôn mới
Ngoài ra các cấp Hội tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần đạt tiêu chí thu nhập theo chuẩn nông thôn mới. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, duy trì phát huy hiệu quả phong trào "nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Hội coi đây là lực lượng nòng cốt tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy nội lực xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Thông qua việc ủy thác với các ngân hàng, phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, công tác tín dụng, chuyển tải vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai hiệu quả.
Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: "Từ đầu năm đến nay đã có trên 54.700 hộ nông dân được vay vốn thông qua trên 1.600 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ 3 ngân hàng trên 3.500 tỷ đồng. Chúng tôi đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là ứng dụng những thành quả của nền nông nghiệp 4.0. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, tác phong làm việc, khả năng thích ứng của nông dân, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và thị trường".
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sáng tạo, đổi mới trong thực hiện các hoạt động, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân tỉnh Hoà Bình đã tự nguyện hiến đất, ngày công lao động cũng như đóng góp tiền của để xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa, xây mới đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... Trong quý I năm nay, nông dân trên toàn tỉnh đã đóng góp 11.400 ngày công lao động; tham gia làm mới và duy tu, bảo dưỡng 4,5 km đường giao thông nông thôn; phát quang, nạo vét, phát dọn, tu sửa trên 340 km kênh mương nội đồng và đường, ngõ xóm; phối hợp trồng 42.650 cây xanh các loại.
Với những cách làm đổi mới, sáng tạo, phong trào XDNTM thời gian qua đã thu hút đông đảo nông dân toàn tỉnh tham gia và thực hiện hiệu quả. Từ đó, không chỉ diện mạo nông thôn thay đổi mà phong trào phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở các địa phương ngày càng bắt nhịp với thời đại. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Hoà Bình có 65/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã nông thôn mới nâng cao, 60 khu dân cư kiểu mẫu và 170 vườn mẫu, có được kết quả này phải kể tới sự đóng góp không nhỏ của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân.