Trước đây, gia đình anh Phạm Văn Dựng, bản Chiềng Hưng, xã Yên Sơn trồng ngô, mía, chỉ thu được từ 70 - 100 triệu đồng/năm, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập khá bấp bênh. Năm 2015, gia đình anh Dựng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động để chuyển sang trồng rau bắp cải, cà, bí cô tiên…, với diện tích hơn 2 ha.
Anh Dựng, chia sẻ: Từ khi tham gia vào HTX, tôi được đi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau theo hướng an toàn. Theo đó, quy trình sản xuất đều tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hoạch cho đến đầu ra cho mỗi sản phẩm. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu rau sạch cho người tiêu dùng, bây giờ được HTX bao tiêu sản phẩm, tôi rất yên tâm. Trung bình mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường hơn 100 tấn rau, củ, quả các loại, thu hơn 300 triệu đồng.
Yên Sơn là một trong những xã của huyện Yên Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng các loại rau, củ, quả... Những năm qua, hầu hết các hộ dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát nên năng suất, chất lượng thấp, sản phẩm cung cấp ra thị trường giá bán thất thường.
Nhận thấy nhu cầu lớn rau sạch của thị trường, nhằm thay đổi tư duy, cách làm, hỗ trợ người dân tiếp cận các phương pháp sản xuất rau sạch, an toàn, tìm đầu ra cho sản phẩm. Năm 2017, HTX Thanh Sơn đã được thành lập, với 7 thành viên tham gia, chủ yếu sản xuất rau an toàn, với diện tích 25 ha, sản lượng đạt gần 400 tấn/năm, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng.
HTX đang thực hiện liên kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các loại rau, củ, quả cho các thành viên trong HTX. Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, HTX cũng thu mua thêm rau, củ, quả của một số hộ dân trên địa bàn xã.
Được biết, ngoài sản xuất rau an toàn chính vụ, tháng 7/2021, được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, HTX Thanh Sơn đã tham gia mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ theo hướng hữu cơ với quy mô 5,5 ha. Trong đó, 3 ha bắp cải, 2,5 ha bí xanh, mô hình này bước đầu đang đem lại hiệu quả tích cực, riêng sản lượng của vụ trái vụ năm nay, HTX thu được trên 100 tấn bắp cải, bí xanh để cung cấp cho các chợ đầu mối ở thành phố Hà Nội và một số địa phương khác.
Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Thanh Sơn, cho biết: Khi tham gia mô hình trồng rau an toàn, các hộ dân đã được cán bộ Hội Nông dân tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, Hội Nông dân các cấp còn cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình thực hiện từng khâu trong quá trình triển khai xây dựng và sản xuất. Chính vì vậy chất lượng sản phẩm rau, quả trái vụ sau khi thu hoạch an toàn, đảm bảo, được khách hàng đánh giá cao, nhiều thương lái liên hệ thu mua.
Mặc dù năng suất thấp hơn so với chính vụ nhưng giá cả cao hơn gấp nhiều lần. Bởi đây là thời điểm khan hiếm rau, nhu cầu thị trường lớn, nhất là tiêu chí của người dân hiện nay đảm bảo an toàn sạch. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động thực hiện mô hình của HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây sẽ trở thành mô hình được đông đảo người dân học tập theo để áp dụng thực tiễn ở địa phương.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn, việc sản xuất rau an toàn trái vụ do chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, dễ phát sinh sâu bệnh, cây trồng kém phát triển hơn so với bình thường. Vì vậy, khi thực hiện mô hình này, phải kiên trì, tuân thủ đúng các khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc thì mới đem lại hiệu quả.
Thực tế, việc liên kết sản xuất rau sạch, an toàn của HTX Thanh Sơn đang là một trong những hướng đi thiết thực, phù hợp của địa phương trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn cung thực phẩm an toàn, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.