|
  • :
  • :

Hướng mới từ nuôi cua gạch

Thành công của mô hình nuôi cua gạch thương phẩm với quy mô 2,5ha, sản lượng ước đạt 3 tấn, mở ra cơ hội mới cho nuôi trồng thuỷ sản vùng đầm phá.

Cua gạch nuôi đầm phá. Ảnh: TTKN TTH

Cua gạch được xem là một trong những loại thuỷ đặc sản vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Do khai thác quá mức nên những năm gần đây, cua gạch trở nên khan hiếm trong đầm phá tự nhiên. Sản lượng cua gạch nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay rất ít. Bởi khan hiếm nên cua gạch thường đắt đỏ, tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh mỗi kg bình quân 350-400 ngàn đồng.

Nhận thấy thị trường tiêu thụ mạnh, bán được giá, đầu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai tại hai điểm: thị trấn Phú Đa (Phú Vang) và xã Hương Phong (TP. Huế) quy mô 2,5 ha/2 điểm, với 5 hộ tham gia.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong chia sẻ, lâu nay người dân chỉ quen nuôi cua thịt thông thường, tuy bán được giá nhưng không cao. Gần đây, tại các nhà hàng, khách sạn xuất hiện các món ăn chế biến từ cua gạch với giá khá cao. Người dân rất muốn nuôi của gạch, nhưng chưa nắm vững kỹ thuật. Mới đây, mô hình nuôi cua gạch thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm do TTKN tỉnh triển khai bước đầu mang lại hiệu quả. Đây thật sự là cơ hội mới cho người nuôi trồng thủy sản, thuỷ sản xen ghép trên vùng đầm phá.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức đánh giá cao mô hình nuôi cua gạch thương phẩm gắn với chuỗi giá trị trên khu vực rừng ngập mặn rú Chá. Mô hình này thành công góp phần đa hạng hóa đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế trên đầm phá, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương ngày càng xứng tầm đơn vị trực thuộc TP. Huế.

Giám đốc TTKN tỉnh Châu Ngọc Phi thông tin, từ nguồn kinh phí khuyến nông quốc gia và đối ứng của các hộ dân, TTKN triển khai mô hình nuôi cua gạch thương phẩm. Xác định hướng đến đầu ra sản phẩm thuận lợi, ngay từ đầu, TTKN xây dựng mô hình nuôi cua gắn với chuỗi giá trị. Quá trình nuôi, người dân được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau hơn 4 tháng ương nuôi cua, tỷ lệ sống ước đạt bình quân 73%, trọng lượng đạt 150g- 170g/con, sản lượng của cả hai điểm gần 3 tấn.

Ông Châu Ngọc Phi đánh giá, kết quả bước đầu cho thấy việc  triển khai mô hình đem lại hiệu quả nhất định. Cua sinh trưởng tốt, các hộ tham gia thực hiện mô hình nắm bắt khá vững quy trình kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn và thực hiện đáp ứng yêu cầu, sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Đây chính là điều kiện để nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Hương Phong, thị trấn Phú Đa nói riêng và vùng đầm phá nói chung. Hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trải dài từ Phong Điền đến Phú Lộc được đánh giá đều phù hợp cho mô hình nuôi cua gạch thương phẩm. TTKN đang triển khai mô hình sản xuất giống nhằm phục vụ nhu cầu nuôi tại chỗ cho các địa phương.

Mô hình đã làm tốt cầu nối giữa các hộ nuôi và người thu mua, mở ra hướng nhân rộng trong thời gian đến, dự kiến trước mắt là vùng đầm phá Quảng Điền, Phú Vang và TP. Huế. Yêu cầu đặt ra là người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng từ khâu sản xuất, bảo vệ môi trường đến tiêu thụ sản phẩm.

Thế Hà

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/huong-moi-tu-nuoi-cua-gach-a107872.html
Tags: nuôi cua
Tin liên quan
Chưa có thông tin