Kon Tum nằm ở Bắc Tây Nguyên, đang nỗ lực trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu của khu vực và cả nước. Nhiều năm qua, đời sống người nông dân ở các huyện như: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei, Ngọc Hồi có nhiều đổi thay nhờ khuyến khích trồng và xuất bán các sản phẩm dược liệu.
Người dân trồng dược liệu sâm dây ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh T.T |
Hiện đang vào vụ mùa thu hoạch sâm dây, anh Trần Văn Len- người dân xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông- cho biết, mọi năm thương lái đổ xô về thu mua từng tấn hàng chở trên xe tải.
Năm nay, do dịch bệnh nên vắng bóng thương lái, người dân chở xe máy đưa sâm dây ra bán cho các nhà hàng, đại lý thu mua trên địa bàn.
“Các đại lý cũng thu mua cầm chừng, nhỏ giọt với số lượng hạn chế vì các nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa phòng dịch bệnh. Nếu dịch kéo dài thì người dân chỉ còn cách bán giảm giá nữa, bởi lá sâm dây không để được lâu”, anh Len nói.
Một vườn sâm dây của người dân đang vào mùa thu hoạch. Ảnh T.T |
Chị Trần Thị Tình – một đại lý thu mua dược liệu ở huyện Tu Mơ Rông – cho biết: “Mọi năm các sản phẩm dược liệu được xuất bán, vận chuyển lên xe tải đi thị trường TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Giờ các tỉnh này đều đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên sức tiêu thụ giảm mạnh.
Đại lý chỉ thu mua các sản phẩm phơi khô, để lâu ngày được như Nấm linh chi, Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Ngũ vị tử, Sim rừng Măng Đen. Tình hình kinh tế khó khăn nên các đại lý phân phối miền Nam cũng yêu cầu giảm giá sản phẩm hoặc hẹn hết dịch mới chốt đơn hàng”.
Người dân thăm vườn sâm dây trồng trên đất nương rẫy. Ảnh T.T |
Việc ách tắc đầu ra cho thị trường dược liệu trong lúc dịch COVID-19 khiến người nông dân vùng núi lao đao, họ cũng khó khăn về nguồn vốn để mua giống, cải tạo đất trồng dược liệu cho vụ mùa mới.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định phê duyệt các sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm, Sim rừng Măng Đen, Gạo chất lượng cao, Quế, Sa Nhân Tím, Nghệ vàng, Đinh lăng, Khổ qua rừng, Lạc tiên, Đảng sâm…
Cũng như nhãn lồng, nông sản tỉnh Hưng Yên hay trái vải thiều ở tỉnh Bắc Giang, các loài dược liệu cần được kết nối tiêu thụ ở hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ bán buôn, bán lẻ và các doanh nghiệp phân phối. Cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để phân phối, lưu thông dược liệu với đủ điều kiện phòng dịch COVID-19.
Chính quyền tỉnh Kon Tum phấn đấu khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn, đạt 50 tấn nguyên liệu/năm. Đồng thời phát triển 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung phù hợp điều kiện tự nhiên theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Tuấn (Báo Lao động/Dân Việt)