Bản Lang là xã vùng cao, biên giới của huyện Phong Thổ. Xã có 1.667 hộ, với hơn 8.000 nhân khẩu, thuộc 5 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 13 bản. Toàn xã có 376 ha lúa, trong đó có 250 ha lúa đông xuân, 371 ha lúa mùa và 6 ha lúa nương. Bản Lang là một trong những xã trồng lúa được cả hai vụ của huyện Phong Thổ.
Bà con nông dân trong xã lâu nay vẫn canh tác theo phương pháp truyền thống. Ngoài việc tự để giống, đa số nông dân trên địa bàn xã sử dụng phân bón hóa học để bón cho lúa và các loại cây trồng. Người dân trong xã còn như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Bản Lang còn gặp phải những bất lợi, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: Giông lốc, sát lở đất, lũ lụt, sương muối, mưa đá... ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Lò Thị Dự - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Lang, cho biết: Những nwam gần đây, Hội Nông dân xã Bản Lang thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Ngày Môi trường thế giới; Tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa, không sử dụng thuốc diệt cỏ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng...
Đặc biệt, Hội Nông dân xã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, vận động hội viên, nông dân tham gia trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; Trồng các loại cây công nghiệp như: Mắc ca 142,41 ha; Quế 45 ha; Chè 32,52 ha; Không phát nương, chặt cây tại các rừng đầu nguồn để chống sói mòn, sạt lở đất, chống lũ, bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất...
Người dân xã Bản Lang tích cực tham gia bảo vệ môi trường
"Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong xã, đối với công tác bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên. Từ sự thay đổi về nhận thức đã dẫn đến những thay đổi về hành vi trong bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên, nông dân trong xã. Hội viên, nông dân xã Bản Lang ngày càng tích cực tham gia bảo vệ môi trường, cùng nhau giữ gìn, vệ sinh đường bản, ngõ bản, nuôi nhốt gia súc, gia cầm xa nhà, hợp vệ sinh" – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Lang cho hay.
Anh Lù A Sỹ, hội viên Chi hội nông dân bản Thèn Thầu, chia sẻ: Được cán bộ Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã làm chuồng nuôi gia cầm xa nhà, hợp vệ sinh. Tôi còn sử dụng đệm lót sinh học để nuôi gà. Nhờ đó, đàn gà của gia đình không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, mà còn ít xảy ra dịch bệnh. Đứng gần chuồng nuôi cũng không ngửi thấy mùi hôi như trước đây. Với hơn 2000 con gia cầm (gà, ngan) nuôi thương phẩm, mỗi năm gia đình tôi cũng thu hơn 100 triệu đồng từ bán gà, ngan thịt ra thị trường.
Theo bà Dự, đến nay, 100% hộ gia đình hội viên Hội Nông dân xã đã được sử dụng nước hợp vệ sinh và có nhà vệ sinh tự hoại, có hệ thống nước tưới và nước sinh hoạt hàng ngày, không ảnh hưởng đến cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Cứ vào ngày 20 hàng tháng, hội viên, nông dân các bản lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh đường bản, ngõ xóm, giúp cho bản làng luôn sạch, đẹp. Các hộ gia đình trong xã còn thực hiện thu gom rác thải đúng quy định.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Bản Lang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân trên địa bàn trong phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; Vận động hội viên, nông dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; Hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.