Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có trên 5,2 triệu con gia cầm, hơn 265 nghìn con gia súc. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Do đó, để kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, ngành chức năng tỉnh khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch hệ thống xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Xác định phát triển chăn nuôi bền vững phải đi đôi với công tác BVMT, hằng năm, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản về thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn… Cùng đó, chi cục tích cực tuyên truyền người dân đầu tư chăn nuôi tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, xử lý môi trường hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong thực hiện các quy định về BVMT và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Đến nay, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều đã áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn chăn nuôi, hạn chế tối đa phát thải ô nhiễm môi trường.
Một hộ chăn nuôi ở thôn An Ninh, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho biết: Với mô hình trang trại chăn nuôi trên 50.000 con gà/năm, để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2019, gia đình đã áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Toàn bộ diện tích chuồng nuôi sau khi được bê tông sẽ được gia đình rải trấu kết hợp men vi sinh làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi… Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi tiến hành rắc men vi sinh và vỏ trấu từ 1 – 2 lần. Sau khi xuất bán, gia đình tiến hành dọn toàn bộ lớp lót nền, phun khử khuẩn và để chuồng nghỉ trong 1 tháng mới tái đàn.
Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) cũng là một trong những HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác BVMT trong chăn nuôi. Với quy mô diện tích trên 13.000 m2, hiện HTX đang nuôi 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt.
Đại diện HTX cho biết: Để đảm bảo vệ sinh môi trường, HTX đã xây dựng các khu riêng biệt có tường bao quanh, đầu tư trang thiết bị và đưa vào vận hành hệ thống biogas để xử lý chất thải. Nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hệ thống các hồ sinh học sẽ tiếp tục được xử lý bằng hóa chất mới thải ra môi trường. Còn chất thải rắn, HTX ký kết với một số HTX trên địa bàn cung cấp phân bón phục vụ trồng trọt. Ngoài ra, từ năm 2020, HTX được Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, thuộc Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình HTX chăn nuôi lợn an toàn sinh học kết hợp thu gom chất thải rắn để ủ phân conpost, giảm tải cho hệ thống hầm biogas. Đến nay, HTX đã được Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định chăn nuôi, thuộc Cục Chăn nuôi đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP… Qua đó, góp phần đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh và BVMT sống cho cộng đồng dân cư.
Không chỉ 2 trang trại trên, toàn tỉnh hiện có 38 trang trại chăn nuôi (chủ yếu gà, lợn…) có quy mô từ 100 đến 50.000 con/năm. Các trang trại tập trung chủ yếu ở một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn… Dự kiến, giai đoạn năm 2023 – 2024, toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 10 trang trại, HTX chăn nuôi đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, nguồn chất thải chủ yếu được tận người dân sử dụng làm phân bón; đối với chăn nuôi quy mô trang trại, các doanh nghiệp, HTX đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện 100% các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đều thực hiện xử lý chất thải qua hệ thống biogas, không xả thải trực tiếp ra môi trường; các trang trại thuộc diện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (4 trang trại) đều nghiêm túc thực hiện theo quy định.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Hiện nay, các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn đều đã quan tâm thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải trong chăn nuôi. Thời gian tới, chi cục tiếp tục tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT đối với các mô hình, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất hoạt động của các cơ sở chăn nuôi; tuyên truyền, đôn đốc các chủ cơ sở, người chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện đúng các quy định pháp luật về BVMT; xử lý nghiêm đối với các trang trại, gia trại không bảo đảm các biện pháp về BVMT…
Với sự chủ động của người dân, chủ các cơ sở chăn nuôi và sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, tin tưởng rằng, thời gian tới công tác đảm môi trường trong chăn nuôi sẽ tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tăng thu nhập cho người dân.
Ngọc Anh (T/h)