|
  • :
  • :

Lão nông U70 trải lòng về "chuyển đổi số"

"Chuyển đổi số" là thay đổi thích ứng để làm ăn khấm khá lên. Quả ổi, đu đủ, luống rau mà không ngon, không sạch, lại bán vào "chuỗi" mà bán mãi chả được thì chuyển đổi số nỗi gì... Quan điểm của ông chủ Hợp tác xã rau củ quả Mạnh Liên (Phú Thọ) k...

Từng làm nhiều nghề thuở trẻ ở quê lúa Hoài Đức (Hà Nội) sau khi xuất ngũ từ một đơn vị thuộc Quân khu 1, ông Nguyễn Hoàng Mạnh còn sang Liên Xô làm thuê. Biến cố năm 1991 khiến ông phải về nước sau những đêm chạy loạn, đói lả.

Tay trắng. Và chính cuộc tan rã lịch sử đã khiến ông nhận ra lương thực, thực phẩm hẳn là sinh tồn quan trọng nhất. Cái ấm nước điện cũ mang về giờ còn lưu giữ không chỉ nhắc nhớ ký ức thuở "đi Tây", nó cài cho ông một nhận thức khác về miếng ăn, nước uống, lớn hơn chính là phải làm nông nghiệp mà no ấm cái bụng và làm giàu bền vững. Sau cuộc bén duyên với con gái Đất Tổ, ông Mạnh sang quê vợ mua ngôi nhà nhỏ ven Quốc lộ 32 ở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông), thuê cả một dải 2ha đất bãi ven sông Hồng trồng su su, thứ quả xào với lòng gà một thời chỉ xuất hiện khi có đám cưới.

Lão nông U70 trải lòng về "chuyển đổi số" - Ảnh 1.

Lão nông Nguyễn Hoàng Mạnh chia sẻ với phóng viên về kế hoạch mở rộng diện tích đất trồng ổi và đu đủ năm tới.

2 mẫu đất bãi nói thuê nhưng rẻ như cho. Dân làng Hương Nộn cảm tình với chàng rể tối ngày cày cuốc. Nhiều nhà còn cho mượn miễn phí. Dàn su su trải xanh dải bãi. Hàng chục tấn quả bội thu cái thủa Phú Thọ chưa ai biết mà trồng. Nhưng dù sản lượng hơn lúa, nhưng trồng su su phải bỏ chi phí cao, sâu bọ rình rập, mấy trăm triệu đồng thu được, ông Mạnh đầu tư sang trồng ổi. "Nông dân trồng ổi mà bỏ công bọc ni lông chống bọ vàng từng quả thì rất tốn công, ổi bị nóng lõi, chín ép, ăn nhạt thếch, mà cả năm chỉ có được một vụ. Tôi đã lắp khung thép quang màn lưới. Bốn mẫu hết 4 tỷ đồng. Ổi chín thơm, giòn, bán hết veo" - ông Mạnh nói.

Đã gần trưa nhưng lão nông 63 tuổi có làn da nâu hồng rất... nông nghiệp vẫn không màng bữa. Ngày nào cũng vậy, đam mê cái cơ ngơi cây quả trị giá cả chục tỷ đồng, ông Mạnh đều đặn thức dậy từ 4h30 sáng đến tối mịt mới về dù nhà ông chỉ cách đó vài trăm mét.

Có 7 người làng làm thuê được trả lương 7-8 triệu đồng/người/tháng, và chiếc smartphone và hệ thống camera hỗ trợ đắc lực coi sóc toàn bộ canh trại, nhưng ông Mạnh vẫn từng giờ chăm bẵm từng nhành ổi, luống rau. Làm nông nghiệp rủi ro cao, ví như trời mưa lớn đúng dịp dưa lê sắp thu hoạch thì hỏng hết hàng mẫu, trắng tay. Năm 2016, Hợp tác xã (HTX) rau củ quả sạch Mạnh Liên ra đời. Nông phu Nguyễn Hoàng Mạnh “tất tay xuống vốn” đầu tư hiện đại.

Hệ thống tưới ngầm nhấn nút tự động, điện chiếu sáng công suất lớn, lưới giăng kéo bằng động cơ.... Nhiều người ái ngại nói ông liều lĩnh. Đất vùng rau quả, chơi với nông nghiệp khác nào cõng củi về rừng. Nhưng ông tự tin với cách làm riêng, hiểu nhu cầu quá lớn của thị trường rau quả sạch.

Lão nông U70 trải lòng về "chuyển đổi số" - Ảnh 2.

Ông Mạnh cho biết, Hợp tác xã Mạnh Liên làm ăn hiệu quả bằng kiến thức công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.

Ổi năm nay thu khoảng 70 tấn, kiếm 280 triệu đồng. Năm sau dự kiến 100 tấn, giá tại gốc đã 5.000-6.000 đồng/kg, tính sơ lão nông Nguyễn Hoàng Mạnh thu về 350 triệu đồng. Dưa lê 7 mẫu thu 40 tấn, giá buôn 20.000đ/kg, bán lẻ kiếm tới 30.000đ, tính sơ đã thu trăm triệu. Dưa chuột giống ngoại năng suất cao 6.000m2 thu 500 triệu đồng. Hiện ông bắt đầu trồng thêm táo Đài Loan và cà chua giống mới...

Làm nông nghiệp thời nay phải có kiến thức khoa học, ông nói, dân ta vẫn cho rằng hàng bẩn là sản phẩm được phun thuốc kích thích, lắm thuốc trừ sâu, thực ra đó chỉ là một phần tạo nên rau quả thiếu an toàn. "Tôi thử nghiệm hai luống rau muống cạn, một luống bón phân giun quế hữu cơ ủ kỹ, luống kia bón phân tươi chưa qua ủ. Rau hai luống đều tươi tốt như nhau, xanh non không phân biệt. Hái luộc lên thì rau ở luống bón phân sạch ra nước trong xanh, ăn giòn ngọt, ngon, còn rau luống kia luộc ra nước đen kịt, ăn nhạt. Nếu phải phun thuốc thì còn nhiều độc tố nữa" - lão nông kể chuyện một lần minh chứng cho đoàn cán bộ huyện đến thăm HTX Mạnh Liên.

"Bí quyết gì thì cũng là kiến thức. Giờ công nghệ dễ cập nhật, nông dân chịu khó tìm hiểu, tìm đọc là có hết. Nó ở đây này” - ông Mạnh vừa nói vừa giơ cái smartphone lên. Đất mang mẫu về Hà Nội hoặc Đại học Nông lâm Thái Nguyên mà nhờ phân tích, rồi về điều chỉnh chớ để nhiễm chì. Phân vi sinh an toàn cứ vào mạng tìm. Rất nhiều loại uy tín, mang về trộn vào luống đất diệt khuẩn như kiểu "thả cóc vào ăn sâu". Chế khuẩn trộn nước tưới lên. Hàng của Nhật cũng có. Hay là bón đạm, kiến thức và kinh nghiệm rất quan trọng, lỡ tay là dư đạm rất nguy hiểm. Bón sunfat thì phải thận trọng, hãy cứ nên bón kali nitorat tự cây sinh đạm. Thoáng thấy bướm bay thì tung vôi bột lên cây, trứng bướm sẽ ung hủy. Hoặc vào mạng để theo dõi thông tin về thời tiết, biết vài ngày nữa có mưa thì chớ phun thuốc, sâu sẽ tự chết.... Lão nông tỷ phú tươi cười chia sẻ chút kinh nghiệm nhưng rất khoa học và đôi lúc chất giọng vẻ nghiêm khắc.

Rau, củ, quả nhiều khi không còn mà bán, khách gọi điện thoại cả ngày. "Có ngày ông bán cả mấy tấn hàng, ông tiêu thụ kiểu gì?" - chúng tôi hỏi. Lão nông nói luôn: "Điện thoại và online. Họ đặt hàng rất nhanh, rất tiện". Mối quen thì đánh xe tải đến tận trang trại. Hàng đi Việt Trì, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Hải Phòng... Các "trùm ship" là chỗ tiêu. Rau quả hái buổi sáng, đến chiều đã vào bếp mọi nhà. "Đi dự hội nghị về chuyển đổi số và bàn chuyện nhà nông làm giàu, tôi thấy họ nói hay nhưng vẫn xa vời. Tôi từng vào "chuỗi" nhưng thấy nhiều bất cập

Chuyển đổi số với ông Mạnh nghĩa là thay đổi và thích ứng nhanh, áp dụng chuẩn công nghệ mà tăng thu nhập. Ông nói tiếp, ghi danh tới 3 sản phẩm OCOP, ông khẳng định dám chơi tầm cam kết chất lượng nếu bất kỳ ai mang sản phẩm của ông đi "xét nghiệm" mà phát hiện hàng bẩn. Nền tảng số hiện nay đang quá thuận lợi cho nông dân yêu thêm mảnh đất quê mình mà sống tốt. Sản xuất - Quản trị - Khách hàng ở tầm vóc quy mô nào cũng cần. Dữ liệu, con số phải rất nhạy mà điều chỉnh kế hoạch lập tức. "Chẳng hạn khách hàng sáng nay gọi trực tiếp cho tôi nói là dưa lê hơi ngọt, tôi lập tức có điều chỉnh nhóm khách hàng ngay, vì có người ưa loại ngọt hơn. Và con gái tôi (học năm cuối trường ĐH Kiến trúc HN) phụ trách tương tác, kịch bản bán hàng, số hóa sản phẩm trên các hệ thống, đã kịp thời báo cáo và có kế hoạch điều chỉnh" - ông Mạnh nói.

Bất luận thế nào, ông khẳng định, sản phẩm của HTX Mạnh Liên khi đến tay người tiêu dùng mà không còn tươi ngon nữa, giá lại cao, thì "chuyển đổi số trong nông nghiệp" chưa thực sự thành công, và hàng bán mãi chả được thì "chuyển đổi số nỗi gì". Lại nữa, chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao như chỉ hướng đến doanh nghiệp lớn. "Xã, huyện, cả tỉnh nữa, cứ nói mãi "số số" gì đó, nhưng tôi thấy nông dân có hiểu gì mấy. Họ cần có nhiều cuộc tập huấn và cần được hỗ trợ trực tiếp, cụ thể.

Có thể tầm quy mô của tôi chưa lớn, nhưng nó phù hợp để nông dân chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, và có thể sáng kiến, kinh nghiệm của tôi là riêng lẻ, chưa cập nhật với “chuyển đổi số quốc gia”, nhưng chắc chắn nhiều nhà nông vẫn tự hạn chế mình ngay bước chân đầu tiên trong thời đại số. Thấy thất bại thì ghê tay. Họ chăm chỉ với cái cuốc mà không chịu tìm hiểu, nghiên cứu những thứ đang rất sẵn có về khoa học ở trên mạng. “Nông dân hãy đơn giản học hỏi kiến thức từ cái smartphone chứ đừng chỉ khám phá nó có chức năng gì. Dĩ nhiên nông dân mà, họ được đào tạo mấy về số đâu" - Ông Mạnh tâm sự.

 

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/lao-nong-u70-trai-long-ve-chuyen-doi-so-20221012112018087.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin