Cây rau mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân các huyện vùng hạ. |
Giảm diện tích lúa kém hiệu quả
Trong điều kiện BĐKH gây bất lợi cho sản xuất lúa như hiện nay, nhiều nông dân chủ động chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả cao hơn. Ông Trần Văn Hữu (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Vào mùa khô, tôi không trồng lúa mà chuyển sang trồng bắp. Trung bình 0,1ha bắp, sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 5 triệu đồng, cao hơn so trồng lúa. Thời gian canh tác bắp cũng chỉ từ 65-70 ngày nên nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn ít hơn so với lúa”.
Cũng chuyển từ lúa sang trồng màu như ông Hữu, ông Trần Văn Côi, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Tôi thường trồng dưa leo vào mùa khô để hạn chế sự ảnh hưởng của hạn, mặn. Trồng dưa leo khoảng 30 ngày là bắt đầu thu hoạch và 60 ngày là kết thúc 1 vụ, năng suất từ 3-4 tấn/ha, giá bán từ 5.000 đồng/kg trở lên là người trồng có lãi”.
Để thích ứng với BĐKH và tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, ông Nguyễn Văn Hậu (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) đã chuyển từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh. Sau hơn 5 năm, ông bắt đầu thu hoạch “trái ngọt”. Ông Hậu cho biết, trồng lúa hiệu quả thấp nên chuyển 1,2ha lúa sang trồng bưởi da xanh. Vườn bưởi của ông có hơn 200 gốc đang cho trái. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 300 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH. Qua đó, từng bước hình thành những vùng chuyên canh như vùng rau ở huyện Cần Giuộc (gần 1.400ha) và huyện Cần Đước (hơn 700ha), vùng chanh ở huyện Bến Lức (hơn 7.000ha),...
Bưởi da xanh thích ứng tốt với khí hậu và thỗ nhưỡng huyện Tân Trụ. |
Tăng thu nhập cho nông dân
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, thiếu nước,... Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương vận động, khuyến khích và hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác để ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại. Những diện tích đã chuyển đổi cơ bản phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa,... hàng năm đều đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm và thường xuyên yêu cầu những địa phương này tăng cường vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các loại cây ngắn ngày, chịu hạn tốt để thích ứng với BĐKH. Cụ thể, tại huyện Cần Giuộc, nông dân chuyển sang trồng rau ăn lá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.
Chị Đỗ Thị Thủy (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi trồng lúa nhưng do hạn, mặn nên năng suất thấp. Từ năm 2018, tôi chuyển 0,3ha lúa sang trồng rau. Sau gần 4 năm trồng rau, gia đình tôi có thu nhập ổn định và cao hơn gấp 5-7 lần lúa”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ rà soát các diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Ðối với các diện tích có nguy cơ thiếu nước, không thể trồng lúa, ngành Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp UBND xã, thị trấn vận động nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu nhằm hạn chế thiệt hại. Những năm gần đây, rau đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích trên 1.400ha, trong đó có 1.200ha ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng lâu dài, ứng phó với BĐKH. Cụ thể là ứng phó với các hiện tượng như mất đất, nhiễm mặn, thiếu nước tưới, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành Nông nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, các giải pháp như áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất,... cũng được ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến nhằm thích ứng với BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho nông dân.