Ông đánh giá như thế nào về việc các địa phương ở phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nới lỏng giãn cách, dần cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại?
Sau thời gian dài thực hiện nghiêm các giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã bắt đầu đuối sức không thể tiếp tục duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vì chi phí lớn, nguy cơ cao trong khi năng suất giảm, không đủ đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Đặc biệt là nguy cơ đứt chuỗi cung ứng của ngành thủy sản rất cao. Do vậy việc một số tỉnh ĐBSCL đã cơ bản có thể kiểm soát được dịch bệnh và có kế hoạch dần mở cửa trở lại trong thời điểm này là hợp lý.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP |
Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ nên để DN chung tay, góp sức trong việc phòng, chống dịch Covid-19 bằng việc giao cho DN trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh tại nhà máy, đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động tham gia sản xuất. Người lao động cũng cần có trách nhiệm với bản thân và DN trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Việc mở cửa, nới lỏng các giãn cách trong thời điểm này không phải là sớm nhưng cũng xem như các địa phương đã có những quyết sách kịp lúc giúp cho các DN kịp chuẩn bị để phục hồi sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong mùa lễ lớn cuối năm.
Khi mở cửa trở lại, các DN thủy sản đang phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông?
Việc tái khởi động, phục hồi sản xuất của DN sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid….
Tôi cho rằng, để có thể phục hồi sản xuất tốt nhất có thể, DN rất cần sự hỗ trợ từ chính sách của các địa phương trong việc phê duyệt sớm các phương án hỗ trợ DN. Cụ thể là cho phép các DN ngừng sản xuất thời gian qua được khôi phục sản xuất bắt đầu bằng phương án sản xuất “3 tại chỗ” phù hợp với quản lý của DN về phòng chống dịch dưới sự giám sát của y tế địa phương; Xem xét cho đối tượng đã hết bệnh và tiêm vaccin ít nhất 1 mũi được tham gia phục hồi sản xuất; Đối với các DN đang thực hiện “3 tại chỗ”, hỗ trợ mở rộng qui mô sản xuất “3 tại chỗ” tương thích với năng lực của nhà máy theo qui định giãn cách của Bộ y tế, không khống chế số lao động được tham gia. Riêng tại những địa phương khi tỷ lệ tiêm vaccin mũi 1 của người lao động tại nhà máy chế biến thủy sản đã đạt tỷ lệ khá (trên 60%) trở lên và tình hình dịch đã từng bước được khống chế có thể mở giãn cách từng phần, địa phương cần ưu tiên xem xét phương án áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến” với điều kiện “y tế tại chỗ” và 3 xanh (nhà máy xanh, công nhân xanh và gia đình/phòng ở xanh) để từng bước đưa sản xuất lại bình thường mới.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm vaccin mũi 1 cho lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản và lao động của chuỗi sản xuất thủy sản tại các địa phương, tiếp tục tiêm mũi 2 cho người người đã tiêm mũi 1.
Ngoài ra, các tỉnh phải có kế hoạch hỗ trợ để khôi phục sản lượng tiêu thụ thủy sản nuôi ở các chợ đầu mối lớn để thúc đẩy người nuôi trở lại sản xuất bên cạnh việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động cung ứng, vận chuyển, thu hoạch trong nuôi thủy sản. Cùng với đó, các địa phương nên tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại của người nuôi, người thu hoạch trong các khu vực nuôi trồng thủy sản được thả giống, nuôi, thu hoạch... được tiếp tục.
Ông dự báo thế nào về hoạt động xuất khẩu năm 2021 của ngành thủy sản? Theo ông, sang năm 2022 các doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại chưa?
Mặc dù tại một số địa phương tình hình dịch bệnh cơ bản có thể đã được kiểm soát và đang dần mở cửa trở lại tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn phức tạp và Thành phố đang xây dựng chính sách mở cửa từng phần phù hợp tình hình kiểm soát dịch bệnh, trong khi Thành phố là đầu mối giao thương hàng hóa, nên sẽ còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN thủy sản trong thời gian đầu mở cửa. Ngoài ra tại một số thị trường tiêu thụ của thế giới cũng đang bị tác động bởi dịch Covid, do đó chưa thể đưa ra dự báo cụ thể nào cho tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.
Tuy nhiên với chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” của Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương cho việc phục hồi sản xuất và xuất khẩu của DN, mục tiêu của ngành thủy sản sẽ cố gắng duy trì kim ngạch của năm 2021 tương đương năm 2020.
Và để đảm bảo DN có thể phục hồi như vậy chúng tôi rất cần Chính phủ xem xét và sớm ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho DN trong bối cảnh Covid-19, để DN mạnh dạn tính các bài toán khôi phục kinh tế. Thứ nhất, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 cần đưa kit xét nghiệm vào danh mục kiểm soát mặt hàng cần bình ổn giá hoặc nhà nước hỗ trợ giá theo Luật giá. Thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ tiền ăn cho người lao động bị ngừng việc, làm “3 tại chỗ”, miễn đóng đoàn phí cho người lao động và giảm đóng kinh phí công đoàn cho các DN, HTX. Thứ tư, ngành ngân hàng giảm lãi suất VNĐ và USD, khoanh nợ, giãn nợ cho DN. Thứ năm, Bộ Giao thông Vận tải có tác động đến các đơn vị vận tải biển giảm giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế, miễn-giảm các chi phí hạ tầng cảng biển….
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến hết quý III/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước chỉ thu về 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9/2021 đã giúp DN thủy sản sản phục hồi sản xuất một phần và xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong tháng 9 đã hồi phục với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ đạt 159 triệu USD. |
Xin cảm ơn ông!
Mai Ca thực hiện