Có thể khẳng định rằng, tiềm năng và lợi thế này ở nông thôn Thừa Thiên Huế khá dồi dào. Với điều kiện thiên nhiên đa dạng: Nơi vùng cao còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Hy, Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi cùng hệ thống thác, hồ, sông, suối hoang sơ; nơi vùng đồng bằng, vùng sâu có hệ thống biển, đầm phá trải rộng, đang lưu giữ nhiều làng nghề, nhiều tập quán sinh hoạt bản địa và nhiều di tích lịch sử có giá trị. Mặt khác, Huế từng là Kinh đô, nơi hội tụ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đã ít nhiều lan tỏa, hình thành nên nhiều làng quê văn vật rất đáng được tự hào.
Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của các nghệ nhân, người dân và sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều làng nghề truyền thống như: Mây tre đan Bao La, gốm Phước Tích, dệt dèng A Lưới… được duy trì và từng bước khẳng định được giá trị của làng nghề. Riêng trong năm qua, Thừa Thiên Huế có 7/200 sản phẩm, bộ sản phẩm được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. UBND tỉnh cũng quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận 45 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021…
Việc quảng bá cho du lịch nông thôn cũng được quan tâm, với các chương trình lễ hội được tổ chức định kỳ như: Sóng nước Tam Giang (Quảng Điền), Chợ quê ngày hội (Hương Thủy), Hương xưa làng cổ (Phong Điền)… đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham dự. Bên cạnh đó, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang được hình thành tại nhiều địa phương. UBND tỉnh đang đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm) về dịch vụ du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 đạt tiêu chuẩn 5 sao tại điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) và điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr, xã Hồng Kim (A Lưới)…
Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống, sản phẩm nông thôn, gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái đang diễn ra khá sôi động tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì những mô hình này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Thu hút khách chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các chương trình lễ hội; còn trong những ngày thường vẫn còn thưa thớt, ít trải nghiệm dịch vụ của người dân. Nguyên nhân chung một phần do giao thông đi lại khó khăn còn có nguyên nhân hạ tầng du lịch, cũng như sự quảng bá, tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch… ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế.
Quyết định số 922/QĐ-TTg cũng đưa ra một số chỉ tiêu như: đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ…
Đây được coi là “kim chỉ nam” để phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới. Điều quan trọng là sự linh động của chính quyền địa phương và người dân trong việc phát huy những kết quả, khắc phục những tồn tại, để sản phẩm du lịch nông thôn ngày một hoạt động hiệu quả, góp phần thành công xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
ĐẶNG THÀNH