Bà con bản Trung Tín, xã Yên Khê, huyện Con Cuông thu hoạch chè. Ảnh: Văn Trường
Huyện Con Cuông hiện có hơn 400 ha chè kinh doanh, tập trung ở các xã như: Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê. Thời điểm này chè đang vào vụ thu hoạch đại trà nhưng giá cả thu mua giảm mạnh.
Gia đình anh Thái Văn Quý ở bản Trung Tín, xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã gắn bó với cây chè trên 20 năm nay và hiện có trên 1 ha chè kinh doanh; theo lời anh Quý thì chưa có năm nào giá chè lại giảm xuống sâu như thời gian vừa qua. Anh Quý cho biết: "Ngày mồng 10 Tết, chúng tôi tiến hành thu hoạch lứa chè Xuân, thu được 4 tấn chè búp tươi. Trong Tết giá từ 2.700 - 3.000 đồng/kg chè búp tươi mà nay xuống còn 2.500 đồng/kg, nếu bán với giá này thì trừ các loại chi phí như phân bón, nhân công, đầu tư bơm tưới… thì người trồng chè bị thua lỗ".
Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Yên Khê (Con Cuông) cho biết thêm: Xã Yên Khê có 356 ha chè, nhiều nhất huyện Con Cuông. Khó khăn đặt ra hiện nay là giá chè xuống quá thấp, năm 2020, giá chè cao nhất 3.800 đồng/kg, nhưng thời điểm này chỉ 2.500 đồng/kg. Trước đây ở Con Cuông có mấy nhà máy chế biến mini nhưng đều dừng hoạt động do khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều người dân trồng tự do, đầu ra phập phù.
Giá chè thấp nhưng các đơn vị vẫn cố gắng mua chè cho dân ở Con Cuông để giữ vùng nguyên liệu. Ảnh: Văn Trường
Địa bàn huyện Thanh Chương, người trồng chè cũng đang đối diện thức tế rớt giá của sản phẩm chè. Một nông dân trồng chè ở xã Hạnh Lâm chia sẻ: Gia đình tôi làm trên 1,5 ha chè, để có được sản phẩm chè búp tươi, người nông dân phải trải qua nhiều vất vả. Từ chăm sóc, thu hái, chưa kể chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, đầu tư hệ thống tưới nước, nhưng giá quá thấp không đủ bù chi phí.
Một số nhà máy chè ở Thanh Chương đang cố gắng thu mua sản phẩm búp tươi cho bà con nông dân. Ảnh: CTV
Theo đại diện UBND xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: Xã hiện có 120 chè kinh doanh, hiện nay giá chè rất bấp bênh từ 2.300-2.500 đồng/kg chè búp tươi. Trên địa bàn có 3 nhà máy chế biến chè, trong đó có 1 nhà máy đã đóng cửa. Do sản lượng chè búp nhiều nên bà con phải bán cho các tư thương khác trên địa bàn huyện, dù giá rẻ cũng phải bán để chăm sóc lứa khác.
Sản phẩm chè sơ chế tại một số nhà máy chè Thanh Chương đang tồn kho. Ảnh: CTV
Được biết thêm, Thanh Chương hiện có hơn 5.100 ha chè công nghiệp, là địa phương có diện tích chè lớn so với cả tỉnh, toàn huyện có khoảng trên 30 nhà máy, cơ sở chế biến chè, hiện nay đang tồn kho khoảng trên 2.000 tấn chè.
Nghệ An có tổng diện tích chè trên 8.000 ha, chủ yếu tập trung chủ yếu tại 6 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Tương Dương. Cây chè đang là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng chủ lực của hàng chục ngàn hộ dân ở các huyện miền núi.
Chế biến chè ở Thanh Chương. Ảnh: Thanh Phúc
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Nghệ An, hầu hết nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Hiện có tới 70% giống chè của Nghệ An chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Việc sản xuất manh mún cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài để ổn định đầu ra, các địa phương trồng chè cần phải cơ cấu lại vùng chè, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng. Đồng thời, mở rộng diện tích chè sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP để cạnh xuất khẩu chè ra thế giới.
Ngoài ra, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến, đầu tư chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác từ chè xanh như trà túi lọc, bột matcha, trà sữa hòa tan, trà thảo mộc…