|
  • :
  • :

Nghệ An: Giá keo giảm sâu, nhiều cơ sở tạm dừng thu mua

Thời điểm này, đi dọc tuyến Quốc lộ 48 lên huyện Quỳ Châu, quan sát thấy 2 bên đường có nhiều điểm thu mua keo khá vắng vẻ, trên những đồi keo không thấy ai khai thác.

 

Điểm thu mua keo của anh Bùi Anh ở bản Việt Hương, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu đang còn tồn trên 150 tấn keo nguyên liệu. Ảnh: Văn Trường

 

Ông Vi Tình ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu chia sẻ: Từ chỗ giá keo 13 - 14 triệu đồng/tấn, mấy tháng nay bất ngờ giảm xuống chỉ còn 10 triệu đồng/tấn, trừ các chi phí đầu tư, công chăm sóc có khi chỉ hòa vốn. Biết là bán keo thời điểm này thiệt thòi, nhưng người dân chúng tôi cũng phải bán để có tiền trang trải cho dịp Tết.

Anh Bùi Anh ở bản Việt Hương, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu - một chủ chuyên thu mua keo nhập cho thị trường các tỉnh phía Bắc cho biết: Keo xuống giá, đầu ra khó tiêu thụ, nên hơn 1 tháng qua, cơ sở chúng tôi phải tạm dừng thu mua. Nay hoạt động trở lại, đầu ra đang rất khó khăn, hiện đang còn trên 150 tấn keo nguyên liệu trong bãi chứa. Keo để lâu bị mốc, khô nước, nên càng hao hụt.

Ông Lương Anh Tuấn - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu cho biết: Toàn huyện có trên 21.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm khai thác và trồng mới từ 4.000 - 4.500 ha. Thời điểm tháng 1/2022 keo bất ngờ tăng giá, từ 9-10 triệu đồng/tấn tăng lên 14 triệu đồng/tấn; nhưng từ tháng 10/2022, giá keo tụt xuống chỉ còn 10 triệu đồng/tấn.

 

Một điểm thu mua keo ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành hoạt động cầm chừng. Ảnh: Văn Trường

Việc giá keo vừa xuống thấp, vừa khó tiêu thụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người trồng keo. Chưa kể trên địa bàn còn có hàng ngàn lao động “ăn theo” nghề trồng keo như khai thác keo, trồng mới keo. Nếu nghề trồng keo đình trệ người lao động sẽ càng khó khăn vì bị giảm nguồn thu nhập từ nghề trên.

Địa bàn huyện Yên Thành hiện nay có khá nhiều điểm thu mua keo hoạt động cầm chừng. Có mặt tại một điểm thu mua keo ở xã Quang Thành, chủ cơ sở thu mua keo chia sẻ: Trước đây, khi keo tăng giá, mỗi ngày cơ sở chúng tôi thu mua được 150 tấn, thời điểm này chỉ thu mua được 30 - 40 tấn keo, chủ yếu bán ra Nghi Sơn (Thanh Hóa). Do giá keo rẻ nên hiện nay một số người dân không bán, đang “chờ giá”.

 

Theo báo cáo của UBND xã Quang Thành, toàn xã có trên 900 ha rừng nguyên liệu, hiện nay, xã đang còn trên 200 ha keo nguyên liệu đã đến tuổi khai thác.

 

Giá keo rẻ nhưng một số hộ dân ở huyện Đô Lương vẫn chặt bán để lấy tiền trang trải dịp Tết. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Toàn huyện Yên Thành hiện có trên 12.500 ha keo nguyên liệu, hàng năm thu hoạch trên 2.700 ha keo. Về lâu dài, để nghề trồng keo phát triển bền vững, huyện Yên Thành rất mong có doanh nghiệp liên doanh ký kết thu mua sản phẩm với giá cả ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.

Một số chủ thu mua gỗ keo ở huyện Yên Thành còn cho biết thêm: Hiện nay, một số nhà máy băm dăm xuất khẩu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá… đã tạm dừng sản xuất do không bán được hàng khiến việc thu mua keo cũng cầm chừng.

 

Cánh rừng keo ở huyện Quỳ Hợp chưa khai thác để bán do giá quá rẻ. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết thêm: Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 60.000 ha. Nguyên nhân giá keo giảm sâu là do hiện nay thị trường châu Âu thời gian vừa qua ít mua (chủ yếu mua phục vụ sinh khối phát điện), chưa kể là các sản phẩm gỗ ghép thanh, gỗ MDF xuất sang thị trường châu Âu hiện nay cũng khó xuất bán.

Để giảm thiểu tình trạng giá keo lên xuống thất thường, người dân các địa phương cần tập trung trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Bởi thị trường rừng trồng gỗ lớn rộng, đa dạng dễ tiêu thụ, đáp ứng được cho các nhà máy chế biến, các khu công nghiệp tập trung trong tỉnh và xuất khẩu…

Tác giả: Văn Trường
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-gia-keo-giam-sau-nhieu-co-so-tam-dung-thu-mua-post262767.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin