Sáng 5/4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo công bố kết quả nhiệm vụ khoa học “Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP”. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành liên quan và một số địa phương cấp huyện; các đơn vị có sản phẩm được số hoá.
Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 4/2024) toàn tỉnh có 514 sản phẩm OCOP được đánh giá công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao, 487 sản phẩm đạt 3 sao. Có 301 chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu. Một số sản phẩm bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.
Tuy nhiên, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP và số hóa sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, phát triển đúng mức trong điều kiện công nghệ 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.
Bên cạnh đó, để sản phẩm được người tiêu dùng tra cứu đầy đủ các thông tin sản phẩm góp phần cho công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường,… cần phải được số hóa với công nghệ mới và tiện dụng trong sử dụng. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An đã thực hiện nhiệm vụ khoa học “Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP”.
Tại hội nghị, nhóm nghiên cứu đã báo cáo kết quả đạt được trong quá trình số hoá sản phẩm OCOP.
Theo đó, có 23 sản phẩm của 6 chủ thể được thực hiện công tác số hóa. Thông qua số hóa, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP giúp truy xuất dễ dàng nguồn gốc xuất xứ, hạn chế vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng sức khỏe con người, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng; Các sản phẩm OCOP được đẩy mạnh số hóa giúp sản phẩm bảo vệ được thương hiệu, khẳng định sự minh bạch và uy tín trên thị trường.
Xu hướng đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử sẽ góp phần chuyển dịch mạnh mẽ, rút ngắn khoảng cách từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ; giúp sản phẩm được tiếp cận thị trường trong và ngoài nước nhanh và tiện lợi; Giúp quảng bá sản phẩm ở bất cứ nơi đâu và tiện cho việc tra cứu và thông tin sản phẩm; Góp phần quản lý dữ liệu, số hóa sản phẩm OCOP để quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm OCOP trên thị trường; Từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP Nghệ An tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, mô hình số hóa 3D và 360 độ là một trong những công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa việc tổ chức; góp phần đưa các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong thời đại công nghệ số.
Năm 2024, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục số hóa và quản lý dữ liệu đối với toàn bộ các sản phẩm OCOP của tỉnh để giúp công tác quản lý, quảng bá và thông tin đầy đủ đến với người tiêu dùng trên nền tảng không gian kết nối toàn diện và tương thích với tất cả các thiết bị; Tương thích với tất cả các trình duyệt web (Chrome, Firefox, Internet Explorer, Cốc cốc, Safari…).
Đồng thời, bàn giao dữ liệu số hóa 3D cho Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kết nối đường link quảng bá, số hóa sản phẩm OCOP với các kênh thông tin; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trong việc chuyển đổi số phục vụ cho quảng bá, tuyên truyền để xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP Nghệ An tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung, kết quả mà nhóm nghiên cứu đưa ra.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị 2 vấn đề: Đề nghị Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh tiếp tục bố trí nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP” giai đoạn 2 trong năm 2024, giao Trung tâm KHXH&NV thực hiện công tác số hóa 3D quản lý dữ liệu cho các sản phẩm 4 sao còn lại và một số sản phẩm OCOP 3 sao; Thực hiện thuê hạ tầng để duy trì phần mềm số hóa.
Kết luận hội thảo, đồng chí chủ trì giao nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện kết quả nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa các lỗi còn sót lại và sớm bàn giao cho các bên liên quan, đưa vào vận hành và sử dụng có hiệu quả.