Những ngày này, để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, bà con vùng cao ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương... rủ nhau vào rừng để thu hoạch lá dong, ống giang để nhập cho thương lái. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều đồng bào vùng cao mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Quang An
Ống giang dùng để chẻ lạt gói bánh chưng, do đó, đây là một trong những sản vật được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Nhiều hộ dân vùng cao đã huy động người nhà vào rừng, tìm những bụi giang có cây thẳng, đẹp để mang về bán Tết. Ảnh: Xuân Hoàng
Anh Vừ Bá Giờ, xã Tây Sơn, Kỳ Sơn cho biết: "Ống giang không khó tìm, tuy nhiên phải đi vào rừng với quãng đường xa mới có giang đẹp, càng đi sớm càng thu hoạch được nhiều, nhà tôi cứ sáng đi rồi chiều tối mới về. Trung bình mỗi ngày nhà tôi đi lấy được khoảng 300 ống giang, nhà nhiều người thì có thể lấy được cả nghìn ống..." Ảnh: Quang An
Hiện nay, mỗi ống giang có giá 1.500 đồng, cao hơn nhiều so với các năm trước (từ 800 - 1.000 đồng/ống). Những ống giang sau khi đưa ra khỏi rừng sẽ được cưa thành từng khúc nhỏ để dễ dàng vận chuyển về xuôi. Ảnh: Xuân Hoàng
Bên cạnh ống giang, lá dong cũng là sản vật mọc tự nhiên rất nhiều trong các khu rừng tại các huyện miền núi. Đồng bào vùng cao thời điểm này cũng đang tất bật vào rừng hái lá dong phục vụ thị trường Tết. Lá dong sau khi hái về được gói thành từng bó từ 20 - 50 lá để dễ nhập cho thương lái. Ảnh: Quang An
Lá dong được mọc trong rừng tự nhiên nên có kích thước to, đẹp, được thị trường ưa chuộng. Ông Lương Văn Hùng ở bản Ang, xã Xá Lượng (Tương Dương) cho biết, năm nay lá dong đắt hơn các năm trước, bó 50 lá bán với giá 25.000 đồng, năm trước chỉ có 20.000 đồng. Nguyên nhân là bởi lượng người đi hái ít hơn các năm do dịch bệnh, bên cạnh đó, muốn có lá đẹp phải đi xa, những vùng gần lá dong nhỏ và hiện cũng bị trâu bò ăn nhiều...Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều thương lái từ miền xuôi đã lên các huyện vùng cao để nhập lá dong đưa về tiêu thụ trong dịp Tết. Ảnh: Quang An
Bên cạnh ống giang, lá dong...các "lộc rừng" khác như chuối rừng, măng rừng...hiện cũng được bà con vùng cao vào rừng hái lượm để mang về bán Tết. Trải qua một năm khó khăn bởi dịch bệnh, thu nhập giảm sút, những "lộc rừng" hiện đang là nguồn thu duy nhất của nhiều hộ dân vùng cao dịp Tết năm nay. Ảnh: Xuân Hoàng