|
  • :
  • :

Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ phải hứng chịu thiên tai do biến đổi khí hậu và cần có các tính toán đánh giá tác động kinh tế cho các vùng.

 

Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến ĐBSCL  - Tạp chí Tia sáng

Thu hoạch lúa ở An Giang. Ảnh: Phuong D. Nguyen/ Shutterstock.

Một nghiên cứu mới đây1 trên tạp chí Discover Sustainability, sử dụng phương pháp định lượng kết hợp phân tích thống kê, tổng hợp, phân tích dữ liệu của Tổng cục Thống kê và của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) để tìm hiểu các kịch bản nước biển dâng tác động đến canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng ở các khu vực khác nhau. Nhìn chung, dù kịch bản nước biển dâng nào thì vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng chịu tổn thất nhiều nhất so sánh với các khu vực khác.

Cụ thể, về nông nghiệp, chẳng hạn với kịch bản “cực đoan” mực nước biển dâng 20 cm, 50 cm, 80 cm và 95 cm thì ước tính sẽ làm ĐBSCL mất đất canh tác lúa vào khoảng 1%, 7%, 19% và 23%. Ngay kề đó, khu vực Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng đến đất lúa ít hơn, ngay cả với kịch bản mực nước biển dâng là 95 cm, diện tích bị mất chỉ khoảng 3%.

Theo kịch bản “trung bình”, mực nước biển dâng lên 8 cm vào năm 2030, 17 cm vào năm 2050, 32 cm vào năm 2080 và 41 cm vào năm 2100 thì ước tính diện tích đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị mất vào các năm 2025, 2050 và 2100 lần lượt là 2,9%, 2,9% và 7,1%. Tương tự như vậy, Đông Nam Bộ cũng chịu thiệt hại, nhưng thấp hơn so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với ước tính lần lượt là 2,4%, 1,8% và 3,9% vào các năm 2025, 2050 và 2100.

Với diện tích đất canh tác cây trồng khác ngoài lúa gạo, ước tính, nếu nước biển dâng 50 cm, có thể Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm 17% diện tích canh tác. Trong khi đó Đông Nam Bộ bị giảm không đáng kể.

 

Nhưng điều mà nhóm nghiên cứu lưu ý là trong kịch bản “cực đoan”, dự báo tương ứng với mực nước biển sẽ tăng thêm 8 cm, 21 cm, 47 cm và 72 cm trong các năm 2030, 2050, 2080 và 2100, tương ứng sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng với diện tích đất dành cho cây trồng khác (ngoài lúa gạo) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, theo kịch bản “cực đoan”, tỷ lệ mất đất nông nghiệp ước tính ​​ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ​​lần lượt là 2%, 3%, 12% và 25% vào các năm 2030, 2050, 2080 và 2100. Dù Đông Nam Bộ được dự đoán sẽ chịu tổn thất tương đối thấp hơn so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thì diện tích đất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, theo kịch bản “cực đoan”, vẫn được dự báo sẽ bị thiệt hại nhiều hơn so với kịch bản “vừa phải”. Thiệt hại đất nông nghiệp ước tính ở khu vực Đông Nam Bộ vào các năm 2030, 2050, 2080 và 2100 theo kịch bản “cực đoan” lần lượt là 0,3%, 0,4%, 1,9% và 2,9%.

Công bố cũng đưa ra các tính toán về thiệt hại với cơ sở hạ tầng. Gần đây, vào năm 2014, thiệt hại về cơ sở hạ tầng nhà ở do bão gây ra ước tính chiếm khoảng 11% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động của bão khác biệt đáng kể giữa các vùng kinh tế, trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ thiệt hại về nhà cửa lớn nhất, chiếm khoảng 4,6% GDP. Tại Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thiệt hại nhà cửa do bão ước tính khoảng 3% GDP, trong khi Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên ít hơn, lần lượt khoảng 0,6% và 2,7% GDP.

Ước tính theo kịch bản nước biển dâng 30 cm, 50 cm, 80 cm và 95 cm, dự báo, thiệt hại cơ sở hạ tầng nhà cửa bị tàn phá tương ứng là 0,54%, 0,81%, 1,4% và 1,7% GDP.

 

Trước tính toán này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố kịch bản biến đổi khí hậu và bản đồ nguy cơ ngập cập nhật đến năm 2020 dự báo nguy cơ ngập rất cao với Đồng bằng sông Cửu Long. Kịch bản này dự báo, nếu mực nước biển dâng 80 cm, 100 cm sẽ có tương ứng 31,94%, 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập nhưng chưa có ước tính riêng cho đất lúa và các loại cây khác ngoài lúa.□

——

1 https://link.springer.com/article/10.1007/s43621-024-00323-1

 
Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/nghien-cuu-danh-gia-tac-dong-kinh-te-cua-bien-doi-khi-hau-den-dong-bang-song-cuu-long-a166320.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin