Rà soát các tiêu chí
Năm vừa qua, Nghệ An đã đạt được mục tiêu kế hoạch về xã NTM, với 19/20 xã cán đích NTM (hiện còn 1 xã chờ quyết định công nhận của tỉnh) và 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là thành quả của sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương. Từ kết quả đã đạt được trong phong trào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn khởi sắc hơn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Năm nay 10 xã đăng ký về đích NTM đều thuộc huyện miền núi, điều kiện không thuận lợi như các xã vùng xuôi. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo kế hoạch của tỉnh, năm 2022 này, phấn đấu toàn tỉnh có 10 xã về đích NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 huyện về đích NTM. Điều đáng quan tâm là, đối với 10 xã về đích NTM đã được các huyện đăng ký là vùng miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội chưa theo kịp miền xuôi nên các địa phương phải thật nỗ lực mới đạt được.
Xã Đồng Văn là địa phương được huyện Quế Phong chọn về đích NTM trong năm 2022. Đây là địa phương xa trung tâm huyện, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của người dân còn khó khăn, nên khi được huyện chọn xây dựng NTM về đích trong năm nay, địa phương không khỏi lo lắng.
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: Sau khi có sự chỉ đạo của huyện về việc thực hiện xây dựng NTM về đích trong năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, xã đã chủ động rà soát các tiêu chí NTM trên địa bàn xã. Theo đó, trước mắt xã đã nhận thấy có 14/19 tiêu chí cơ bản đạt; còn 5 tiêu chi chưa đạt gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập của người dân, cơ sở văn hóa, môi trường, lao động việc làm. Đối với các tiêu chí về cơ sở văn hóa, hạ tầng xây dựng trụ sở làm việc… huyện đang chỉ đạo triển khai thực hiện bằng các nguồn vốn đầu tư.
Một bản TĐC trên địa bàn xã Đồng Văn đã được bê tông hóa phần lớn đường giao thông. Ảnh: Xuân Hoàng
Khó khăn nhất đối với Đồng Văn là tiêu chí thu nhập, việc làm và tỷ lệ hộ nghèo. Bởi 3 tiêu chí này có sự quan hệ lẫn nhau, khi người dân có việc làm, có thu nhập của người dân nâng cao thì hộ nghèo mới giảm và ngược lại thu nhập của người dân không cải thiện thì tỷ lệ hộ nghèo không thể giảm được. Cụ thể, hiện tại Đồng Văn còn 322 hộ nghèo, chiếm 42% số hộ trên địa bàn xã; gia đình thuộc diện hộ nghèo; cùng đó mức thu nhập của người dân còn thấp.
“Đối với tiêu chí giao thông thường là là khó nhất, nhưng với xã Đồng Văn là địa phương có nhiều bản tái định cư Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã được Nhà nước đầu tư làm đường nội bản và có 2 tuyến quốc lộ chạy qua, nên cơ bản đạt, chỉ cần bổ sung thêm các tuyến đường nhỏ từ trục đường chính vào hộ dân ở một số bản là đạt. Trăn trở nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo”.
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn
Huyện Tân Kỳ năm nay cũng chọn xã Tân Hương về đích NTM và xã Kỳ Tân hoàn thành NTM nâng cao. Xã Tân Hương có lợi thế là đường Hồ Chí Minh chạy qua, người dân có nhiều nghề sinh sống: Sản xuất cây giống lâm nghiệp; chế biến mật mía, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nên cuộc sống của bà con khá ổn định.
Phần lớn số xã đăng ký về đích trong năm nay chưa đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Ảnh: Xuân Hoàng
Tuy nhiên, khi nói về kế hoạch về đích NTM của xã trong năm nay, ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã cho rằng: Qua rà soát cho thấy, đến thời điểm này vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt: Giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa. Trong đó khó nhất là tiêu chí giao thông. Bởi, sau nhiều năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, mặc dù địa phương đã đầu tư bê tông hóa một số tuyến đường, nhưng do xã miền núi diện tích rộng, dân cư thưa, hiện vẫn còn 54% chiều dài chưa bê tông hóa. Tuy nhiên, nếu địa phương nhận được số lượng 2.800 tấn xi măng theo chính sách hỗ trợ của tỉnh thì địa phương sẽ đổ bê tông được 16km, nâng tổng số lên 75% chiều dài tuyến đường của xã được bê tông hóa.
Đối với các tiêu chí khác, như nhà văn hóa xã chưa được đầu tư xây dựng, nên xã sẽ đề xuất với các cấp có chính sách hỗ trợ thực hiện.
“Hiện nay, các xóm đã cơ bản giải tỏa giao thông, mặt đường đảm bảo chắc, người dân cũng đã sẵn sàng góp tiền mua vật liệu. Khi có xi măng về là triển khai thực hiện. Quyết tâm của địa phương hoàn thành kế hoàn về đích NTM trong năm nay”.
Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương
Cần cung ứng xi măng sớm
Theo kế hoạch, năm 2022 này, toàn tỉnh có 10 xã đăng ký về đích NTM đều thuộc các huyện miền núi: Tân Hương (Tân Kỳ), Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn); Thanh Hương, Thanh Chi, Thanh Ngọc (Thanh Chương), Đồng Văn (Quế Phong); Lưu Kiền (Tương Dương), Bình Sơn (Anh Sơn). Đối với các địa phương vùng đồng bằng có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã kiểu mẫu: Thanh Lĩnh (Thanh Chương), Nam Cát, Nam Giang, Nam Anh (Nam Đàn), Sơn Thành (Yên Thành); huyện thì có 2 huyện Diễn Châu và Đô Lương.
Để các địa phương thuận lợi hơn trong thực hiện tiêu chí giao thông, tỉnh cần sớm phân bổ xi măng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho rằng: Đến thời điểm này có thể thấy hầu hết các xã vùng miền xuôi của tỉnh đã về đích NTM. Do vậy, kế hoạch của năm nay chỉ có 10 xã về đích NTM là thuộc vùng miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là địa hình rộng, hệ thống giao thông nông thôn kéo dài... Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các xã này hiện còn nhiều tiêu chí chưa đạt: Giao thông, thu nhập, môi trường, trường học, thủy lợi, cơ sở văn hóa…
Vì vậy, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến đang phức tạp, để các địa phương tổ chức triển khai xây dựng NTM được thuận lợi, trước hết tỉnh sớm tổ chức đấu thầu xi măng để cung ứng cho các địa phương sớm triển khai thực hiện làm đường giao thông NTM khi điều kiện đang thuận lợi nhất./.