Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho rằng, người trồng và nhà chế biến điều cần gắn kết hơn nữa để ngành điều địa phương phát triển.
Điều hữu cơ đi Mỹ, EU...
Huyện Bù Đăng là vùng chuyên canh trồng điều lớn nhất tỉnh Bình Phước, với hơn 60.000ha. Nơi đây cũng tập trung nhiều HTX trồng điều sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đã có không ít HTX ở huyện Bù Đăng được Tổ chức Fair Trade công nhận và được dán nhãn thương mại công bằng. Từ đó, sản phẩm điều hữu cơ có thể xuất khẩu sang Mỹ, EU…
Năm 2017, HTX điều hữu cơ Đồng Xanh tại xã Đắk Nhâu (huyện Bù Đăng) được thành lập với 100 thành viên, tổng diện tích hơn 200ha.
Ông Dương Ngọc Khôi - Giám đốc HTX Đồng Xanh cho biết, đến nay HTX đã có hơn 300 thành viên, với diện tích canh tác gần 1.000ha điều. Trong số đó, 500ha của HTX đã đạt tiêu chuẩn Organic và Fair Trade của châu Âu và Mỹ. Phần diện tích còn lại đang chờ đánh giá.
"Doanh nghiệp phải bắt tay nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch; tăng cường chế biến sâu. Khi đó, cả nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi".
Ông Vũ Thái Sơn
- Chủ tịch Hội Điều Bình Phước
Ông Điểu Tân, thành viên HTX Đồng Xanh là một trong những hộ dân giàu lên nhờ gắn bó với cây điều.
Tham gia vào HTX, những thành viên như ông Tân đều được hướng dẫn quy trình canh tác. Năng suất điều hữu cơ thể không cao nhưng thu mua luôn nhỉnh hơn giá điều thường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
90% thành viên HTX hiện nay là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Tân, nhiều thành viên đã không còn tư tưởng ỷ lại, trồng điều theo kiểu được chăng hay chớ. Mọi người chủ động chăm sóc điều theo hướng hữu cơ với quy trình nghiêm ngặt...
Nâng cao năng lực chế biến
Công ty TNHH Vinahe (thị xã Phước Long) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho mình với các dòng sản phẩm như hạt điều chanh muối, hạt điều Yum Thái, hạt điều phô mai, bánh hạt điều Cashewpie... Mỗi năm, công ty tổ chức ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với người trồng điều. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm của Vinahe đều được chế biến từ hạt điều Bình Phước.
"Tất cả nhằm xây dựng thương hiệu hạt điều chế biến sâu của Bình Phước trên thị trường"- ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty cho biết.
Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, toàn tỉnh đang có khoảng 3.200ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong số 22 sản phẩm OCOP mới được UBND tỉnh công nhận, có đến 15 sản phẩm chế biến từ hạt điều.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng điều tại Bình Phước có dấu hiệu thu hẹp do thời tiết, sâu bệnh và quá trình đô thị hoá... Số hộ canh tác điều manh mún, nhỏ lẻ xuất hiện ngày càng nhiều...
Ngành điều có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Bình Phước khi chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đạt hơn 800 triệu USD. Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 phải nâng cao tỷ lệ cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại; chế biến sâu nhân điều đạt khoảng 1/3 sản lượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 1 tỷ USD/năm.
Theo ông Sơn, để làm giàu từ cây điều và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, cả người trồng điều lẫn doanh đều cần tiếp tục thay đổi. Cần tiếp tục phát huy hiệu quả mối liên kết giữa nhà sản xuất với nhà nông và kênh tiêu thụ. Hội Điều Bình Phước cũng đang xây dựng dữ liệu thông tin và dự báo thị trường điều để cung cấp cho người trồng điều, và các doanh nghiệp.